Không giới hạn các vấn đề, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết. |
Quy định chi tiết cách thức tổ chức kỳ họp bất thường
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết là cấp bách và cần thiết, nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, dự thảo Nghị quyết gồm 5 chương với 19 điều. Về kỳ họp bất thường, dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường của các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường (xem xét, thông qua luật, nghị quyết, hoạt động giám sát, chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng…) được thực hiện theo quy định về kỳ họp.
Về tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến, dự thảo Nghị quyết quy định, nguyên tắc tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến tại kỳ họp, trong đó quy định cụ thể hình thức họp trực tuyến được thực hiện qua hệ thống hội nghị truyền hình giữa điểm cầu chính tại Hà Nội và điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cụ thể về hồ sơ nhân sự do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, tài liệu khác trong hồ sơ trình Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…
Để bảo đảm đồng bộ, đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2023, cùng thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận. |
Trình bày báo cáo ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành dự thảo Nghị quyết không quy định giới hạn các vấn đề, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội; tạo sự linh hoạt, chủ động cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lấy tên Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh báo cáo ý kiến. |
Không bổ sung Phó Tổng Thư ký Quốc hội chuyên trách
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký nhằm nghiên cứu, đề xuất những cải tiến, đổi mới về tổ chức và hoạt động nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký; bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, hoạt động của các thành viên Ban Thư ký và giữa Ban Thư ký với Văn phòng Quốc hội và cơ quan giúp việc khác.
Về cơ bản tổ chức Ban Thư ký sẽ tiếp tục kế thừa mô hình tổ chức hiện hành. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký, hướng tới cơ cấu tổ chức chuyên nghiệp hơn, ban soạn thảo đề xuất 2 phương án: Bổ sung 1 Phó Tổng Thư ký Quốc hội chuyên trách làm nhiệm vụ Thường trực Ban Thư ký; giao Ủy viên Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký làm nhiệm vụ Thường trực Ban Thư ký.
Ban soạn thảo đề nghị điều chỉnh cơ cấu Ban Thư ký theo hướng bổ sung 6 Vụ trưởng các vụ làm ủy viên Ban Thư ký, gồm các vụ: Thư ký, Công tác đại biểu, Dân nguyện, Hành chính, Tổ chức - Cán bộ, Lễ tân và hợp tác quốc tế. Theo đó, số lượng ủy viên Ban Thư ký sẽ là 21 thay vì 15 như quy định hiện hành.
Báo cáo ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc có 1 Phó Tổng Thư ký Quốc hội hoạt động chuyên trách là cần thiết, giúp cho hoạt động của Ban Thư ký chuyên nghiệp hơn, đồng thời có vị trí pháp lý để giúp Tổng Thư ký Quốc hội điều hành các ủy viên Ban Thư ký. Ban Công tác đại biểu đề xuất Ban Thư ký hoạt động theo nguyên tắc tập thể.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết. |
Tuy nhiên, kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không bổ sung Phó Tổng Thư ký Quốc hội hoạt động chuyên trách mà phân công Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội điều hành hoạt động của Ban Thư ký.
Với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nguyên tắc ban hành dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Nghị quyết, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 3/2023.
Ý kiến bạn đọc (0)