Khởi nghiệp từ chuyển đổi số
Đổi mới, sáng tạo
Đồng hành cùng ĐVTN, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp gắn với CĐS. Đó là tổ chức chương trình “Thanh niên khởi nghiệp với CĐS”; ký kết kế hoạch phối hợp với Đoàn thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về tiêu thụ vải thiều và các nông sản đặc trưng của tỉnh trên sàn thương mại điện tử. Tổ chức các hoạt động tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở lớp khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp.
Nhân viên Hoa Hướng Dương Ship nhận đơn hàng trên ứng dụng zalo. |
Với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, nhiều ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ trong quản lý, quản trị hoạt động; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm; bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử và bước đầu cho hiệu quả. Điển hình là chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1990), thôn Lục Hạ, xã Tân Trung (Tân Yên), từ mô hình sản xuất bánh quế, mỳ gạo truyền thống, chị đã mạnh dạn vay vốn mua dây chuyền sản xuất hiện đại cho công đoạn tráng bánh, đóng gói để tăng năng suất lao động.
Hay như chị Hồ Kiều Oanh, xã Nam Dương (Lục Ngạn) nổi tiếng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo với sản phẩm mỳ rau củ đầy sáng tạo. Thành công với dự án nuôi đông trùng hạ thảo, anh Ong Thế Dũng (SN 1994), Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo Trường Thọ, xã Đông Hưng (Lục Nam) chia sẻ, ngoài kiến thức, kỹ năng, việc áp dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất là rất cần thiết. Đầu năm 2023, anh Dũng đầu tư thêm máy sấy thăng hoa, nồi hấp khử trùng loại to vào sản xuất tại công ty. Nhờ vậy công suất tăng gấp 3 lần so với trước đây. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp sản xuất 50-60 nghìn hũ đông trùng hạ thảo.
"Với chủ đề Tháng thanh niên 2023 là “Tuổi trẻ tiên phong CĐS”, trong các nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh đoàn sẽ tập trung hỗ trợ ĐVTN tham gia CĐS, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Một số hoạt động tiêu biểu như: Hỗ trợ tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; tập huấn, phổ biến kiến thức quản trị doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, mạng internet" - Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn. |
Nhận thấy nhu cầu vận chuyển tăng cao khi việc kinh doanh qua mạng ngày càng phát triển, tháng 4/2022, chị Phạm Thị Thúy Quỳnh (SN 1986) đã sáng lập mô hình vận chuyển “Hoa Hướng Dương Ship”. Hiện mô hình có hơn 40 thành viên, làm việc theo ca; hoạt động chủ yếu trong nội thành TP Bắc Giang và một số huyện lân cận như: Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên. Khác với các đơn vị vận chuyển khác, “Hoa Hướng Dương Ship” phát triển dịch vụ giao hàng nhanh, trong ngày với các hoạt động như: Giao nhận, mua hộ thực phẩm chế biến sẵn, hàng hóa; chở người lớn tuổi đi khám bệnh... Toàn bộ quy trình vận hành đều thực hiện qua nền tảng zalo và theo sự điều phối ở trụ sở. Khách hàng có nhu cầu sẽ gọi điện đến tổng đài và được nhân viên xác nhận đơn, điều phối trên nhóm zalo nội bộ. Số lượng đơn vận chuyển hằng ngày được báo cáo và cập nhật trên hệ thống để dễ dàng quản lý. Trung bình mỗi tháng, “Hoa Hướng Dương Ship” giao nhận hơn 10 nghìn đơn hàng; thu nhập bình quân mỗi thành viên làm việc tại đây từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Được biết, ngoài điều hành đội vận chuyển, chị Quỳnh còn là chủ một doanh nghiệp vận tải và quán cafe trên địa bàn TP Bắc Giang. Để vận hành nhiều mảng kinh doanh cùng lúc, nữ 8X xinh đẹp đã áp dụng các ứng dụng số lên các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính. Chị Phạm Thị Thúy Quỳnh chia sẻ: “Việc chủ động học tập, ứng dụng những kiến thức số, kỹ năng về công nghệ vào quản trị, hoạt động kinh doanh là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh CĐS. Với quan điểm không ngừng đổi mới, sáng tạo, tôi mong muốn sẽ phát triển hoạt động vận chuyển theo chuỗi liên kết; nghiên cứu xây dựng ứng dụng phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của đội vận chuyển”.
Tạo môi trường thuận lợi
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1,4 nghìn hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi và doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được duy trì hiệu quả. Tổng dư nợ chương trình ưu đãi hỗ trợ thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp giai đoạn 2018-2022 từ nguồn vốn UBND tỉnh và cấp huyện gần 18,6 tỷ đồng cho hơn 140 dự án. Có thể thấy phong trào khởi nghiệp đang diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên cũng gặp nhiều thử thách khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là CĐS đang đòi hỏi sự thay đổi để phù hợp trước sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Anh Ong Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo Trường Thọ giới thiệu mô hình sản xuất. |
Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ứng dụng CĐS, khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngày 4/11/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, UBND tỉnh bố trí 5,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện. Ngày 20/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn trong CĐS, giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Trọng tâm là nâng cao năng lực số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thanh niên là chủ các mô hình kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp ngành truyền thống, doanh nghiệp sản xuất. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm. Kết nối thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số.
Theo anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, CĐS vừa là cơ hội song cũng là thử thách để thanh niên đổi mới, sáng tạo. Trong quá trình khởi nghiệp của ĐVTN, tổ chức Đoàn sẽ đồng hành, làm cầu nối hỗ trợ về kiến thức, giống, vốn. Các cấp, ngành có liên quan phối hợp quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về vốn, cơ chế chính sách cho ĐVTN khởi nghiệp. Trong đó, ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình, giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ số, ứng dụng khoa học kỹ thuật... Với chủ đề Tháng thanh niên 2023 là “Tuổi trẻ tiên phong CĐS”, trong các nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh đoàn sẽ tập trung hỗ trợ ĐVTN tham gia CĐS, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể một số hoạt động như: Hỗ trợ tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; tập huấn, phổ biến kiến thức quản trị doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, mạng internet.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)