Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa vùng đất Phượng Hoàng
Nói đến du lịch văn hoá ở Yên Dũng trước hết phải kể đến chùa Vĩnh Nghiêm - di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, nơi đang lưu giữ hơn 3 nghìn mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là ngôi chùa nổi tiếng, được người dân cả nước biết đến bởi những nét trầm tích văn hoá có giá trị lịch sử tâm linh lâu đời. Chùa có từ thời nhà Lý và được tu bổ, tôn tạo cơ bản vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII) thuộc thiền phái Trúc Lâm. Diện tích khu nội tự 10 nghìn m2, chùa toạ lạc nhìn ra ngã ba Phượng Nhỡn, là nơi hội tụ của dòng sông Thương và sông Lục Nam hợp thành hệ thống sông Thái Bình. Trông ra xa trước mặt là núi Cô Tiên, dãy Nham Biền thơ mộng, bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đường giao thông thuỷ bộ thuận lợi cho du khách du ngoạn, ngắm cảnh.
Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng. |
Hằng năm, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm mở vào ngày 14 tháng 2 âm lịch. Hội mở trong ba ngày gồm phần lễ và phần hội. Với hệ thống giá trị về mặt lịch sử (hơn 700 năm), giá trị về tâm linh, giáo dục và các trầm tích văn hoá đang được quan tâm khai thác, hằng năm chùa Vĩnh Nghiêm đón hàng chục nghìn du khách trong, ngoài nước tham quan, nghiên cứu và cùng thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình nơi đây.
Nằm trong quần thể du lịch văn hoá Yên Dũng còn có các điểm đến đặc sắc như: Đền Thanh Nhàn, chùa Kem, đền thờ Thánh Thiên công chúa, đền thờ Yết Kiêu, hồ Bờ Tân, hang đá An Thái, đình Toản Thanh (được coi là "tứ chiếng quần cư" của xứ Kinh Bắc xưa)… Đền Thanh Nhàn toạ lạc tại tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền. Trải qua các triều đại phong kiến, nhiều lần tôn tạo nên dấu tích ngôi đền có sự kết hợp phong cách kiến trúc của các triều đại.
Những năm tháng chiến tranh, đền bị tàn phá nặng nề, nay công trình kiến trúc và cảnh quan đã được nhân dân địa phương tu bổ lại song vẫn bảo lưu được một số cổ vật quý như lò thiêu hương bằng gang được đúc năm đầu niên hiệu Thành Hoá (1465), cây hương đá, cột đá khắc câu đối mang tính tuyên ngôn về địa lý: “Tây Bắc Yên Hồng tú lĩnh triều tiền/ Đông Nam Đương Mại thâm khê chiếu hậu”, “Tả Nham Biền sơn tú khí địa lý sơn chung/ Hữu Nguyệt Đức giang thánh thiên thiên thư tố định”.
Chùa Kem hay còn gọi Sùng Nham tự - di tích Quốc gia đặc biệt, toạ lạc ở chân dãy Nham Biền. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XV trên địa thế sâu kín của một hẻm núi hình cánh cung tựa lưng vào vách núi Cột Cờ, đồi Đẩu Sơn, trên đỉnh có tháp Thạch Phong chứa xá lị của thiền sư Giác Hải xây dựng từ thế kỷ XVII. Nơi đây phong cảnh hữu tình, quanh năm không khí mát mẻ, cây cối bao bọc tạo vẻ u tịch, hoa nở bốn mùa, phía tả chùa có Hồ Chuông rộng lớn, bên hữu có Bãi Trống, cạnh chùa là Suối Tiên, đường lối quanh co, phía sâu bên trong có Suối Nứa, lại có Giếng Tiên, Ngòi Tiên, Ao Tiên quanh năm nước chảy róc rách.
Du lịch văn hoá là loại hình du lịch xuất hiện và phát triển từ khá sớm. Trên thế giới, loại hình du lịch này đã, đang trở thành xu thế phát triển mạnh trong tương lai. Xu thế du lịch này đặc biệt thể hiện rõ ở những trung tâm kinh tế - văn hoá - du lịch, những vùng, địa phương, nơi có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo, có môi trường sinh thái khác biệt và bề dày về đặc trưng văn hoá truyền thống. |
Phía trước chùa là vườn tháp chứa xá lị của các thế hệ tăng ni trụ trì bản tự. Cuối bãi tháp có Đường Mõ trông giống chiếc mõ của nhà chùa. Trước Chùa Kem có đường 398 nối Bắc Giang với Hải Dương, Bắc Giang với Bắc Ninh, bên cạnh có đường 299 nối hồ Bờ Tân - chùa Kem - đền Thanh Nhàn - đình Ba Tổng - đền thờ vua Trần Minh Tông - đền thờ vua Trần Nhân Tông- khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Tân An - chùa Vĩnh Nghiêm… Hội chùa mở vào vào ngày 21 tháng Tám theo lịch trăng, trùng dịp hội đền Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương), du khách viếng thăm rất đông.
Nằm trong trục du lịch văn hoá tâm linh Yên Dũng còn phải kể đến Đình Cáu (Ba vua đình Cáu, sáu vua đình Kem), chùa An Quốc, đền Ngọc Lâm, chùa Hoàng Khánh, chùa Hang Chàm… đều tựa lưng vào dãy Nham Biền. Có thể nói đình, đền và chùa nào ở Yên Dũng cũng gắn với các truyền thuyết, truyền tích văn hoá để người đời sau sưu tầm, nghiên cứu và biên khảo.
Du khách đến Yên Dũng không khỏi tò mò tìm hiểu về dãy núi có tên Phượng Hoàng, hay còn gọi dãy Nham Biền sơn, tên nôm là núi Neo. Dãy núi có tất cả chín mươi chín ngọn lớn nhỏ hợp thành đan xen vào nhau… Nằm trong quần thể dãy núi Nham Biền có nhiều ngọn núi với các tên gọi mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, như: Núi Hòn Giữa, núi Cột cờ, núi Ông Đống, núi Trói Trâu, núi Đèo Kim, núi Ổ Gà, núi Con Voi,… đặc biệt là ngọn Non Vua. Mỗi cái tên đều mang một huyền tích riêng.
Một trong những ngọn núi có cảnh đẹp nên thơ phải kể đến núi Một Trong được hình thành bởi những phiến đá tảng do tạo hoá xếp chồng khít lên nhau trông giống một thạch bàn khổng lồ. Đặc biệt, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng được quy hoạch xây dựng trên dãy núi Nham Biền từ nguồn vốn xã hội hóa, hiện đã hoàn thành một số hạng mục, trong đó Chính điện có diện tích gần 3.000 m2.
Một điểm đến thu hút khách du lịch Yên Dũng là sân Golf và dịch vụ Yên Dũng nằm ở hai xã Tiền Phong và Yên Lư. Đây là công trình sân golf 36 lỗ và các công trình phụ trợ như nhà hàng, khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng, khu resort, spa, khu thể dục thể thao, khu kỹ thuật... đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc đưa dự án sân Golf và dịch vụ Yên Dũng vào hoạt động chính là bước đi nhằm cụ thể hoá mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh và huyện Yên Dũng, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.
Ở Yên Dũng có nhiều di tích lịch sử, cách mạng, văn hoá kết nối thành những cụm di tích - danh thắng, cụm di tích - lễ hội khá phong phú và độc đáo. Những cụm di tích này ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch văn hoá tâm linh đã và đang được khai thác, thu hút nhiều khách tham quan và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vùng đất Yên Dũng còn có nhiều loại hình văn hoá văn nghệ khác như: Hát Chèo cổ truyền thống, hát ca trù, Quan họ và những câu chuyện kể dân gian từ các làng cười truyền thống mang đậm dấu ấn văn hoá Kinh Bắc như Ngõ Muỗi ở Nội Hoàng, Nụ Cười ở Đông Loan… Các loại hình văn hoá dân gian truyền thống này ngày càng được khôi phục nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân và đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn cho khách du lịch.
Có thể thấy tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, du lịch, cơ sở hạ tầng, môi trường tự nhiên và xã hội kể trên là các bộ phận cấu thành tổng thể tạo nên diện mạo đồng bộ mới cho du lịch văn hóa trên địa bàn huyện. Yên Dũng đã và đang tận dụng tối đa lợi thế sẵn có để gắn kết giữa bảo tồn di tích, di sản với phát triển du lịch. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng, thuận lợi để phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ gắn với phát triển văn hóa không chỉ ở huyện Yên Dũng mà còn của cả tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)