Ca trù trên đất Phượng Hoàng
Càng học càng ham
Bà Chấn nhớ lại, những ngày đầu CLB mới thành lập năm 2009, chỉ có hơn 10 người tham gia, hầu hết đã cao tuổi, chính bà là người đặt nền móng đầu tiên thành lập CLB. Tuy nhiên, không phải ai cũng hát được bởi ca trù là sự phối hợp nhuần nhuyễn, đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc, một loại hình nghệ thuật bác học.
Một buổi sinh hoạt của CLB Ca trù huyện Yên Dũng tại đình Ba Tổng. |
Nếu không đam mê, chịu khó học hỏi, nắm chắc kỹ thuật sẽ không theo được.Thông thường, một chầu hát gồm: Ca nương (đào) sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp; nhạc công nam (kép đàn) sử dụng đàn phụ họa và người thưởng ngoạn (quan viên) đánh trống chầu.
Để khắc phục khó khăn ban đầu, ngoài tự học thông qua đĩa hình, CLB còn cử thành viên tham gia các lớp dạy hát ca trù do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, sau đó về truyền dạy cho mọi người. Các thành viên tham gia CLB chủ yếu ở thị trấn Neo và các xã Cảnh Thụy, Tư Mại, Xuân Phú, Nham Sơn với đủ thành phần, nghề nghiệp từ làm ruộng, buôn bán đến giáo viên, bác sĩ… đã nghỉ hưu. Một số trẻ em cũng theo bà, mẹ đi xem và tham gia CLB.
“Hằng tháng, chúng tôi duy trì sinh hoạt CLB một lần tại đình Ba Tổng, thị trấn Neo. Sau mỗi lần tập, chúng tôi họp rút kinh nghiệm, làn điệu nào hát tốt thì phát huy, chưa được thì khắc phục. Càng học càng ham, nhiều hôm mưa, rét mọi người vẫn đến sinh hoạt”, bà Chấn nói.
Dù kinh phí hỗ trợ cho hoạt động còn hạn chế, phần lớn trang phục, dụng cụ âm nhạc do các thành viên tự mua sắm song 10 năm qua, CLB vẫn hoạt động đều đặn. Bà Ong Thị Thu Hoài, (64 tuổi), thôn Nhất, xã Cảnh Thụy, giáo viên nghỉ hưu tham gia CLB Ca trù của huyện đến nay được 10 năm.
Từ chỗ chưa thuộc lời, nhịp phách, nhờ sự kèm cặp, hướng dẫn của các nghệ nhân cũng như tập luyện qua nghe, xem băng đĩa, Internet, giờ đây bà Hoài có thể hát thuần thục nhiều làn điệu khó như bắc phản, giai ru, mưỡu, bỏ bộ, chúc hỗ…
Bà Hoài nói: “Ban đầu tôi học rất khó vì ca từ đều là những câu thơ, văn cổ xưa. Khi hát, tai phải nghe trống, đàn, phách… Nếu như ca nương không tập trung rất dễ bị nhầm lẫn chứ chưa nói gì đến hát hay, đi vào lòng người”. Hiện bà Hoài là Chủ nhiệm CLB ca trù huyện Yên Dũng.
Không chỉ là hạt nhân tích cực của CLB, bà Hoài còn truyền cảm hứng cho một số học sinh ở địa phương, trong đó có cháu ngoại là Ong Hà Thảo Chi (10 tuổi). Cháu Chi được bà dạy từ lúc 4 tuổi, đến nay cháu thuộc và hát được nhiều làn điệu như xẩm Sông Thương, bỏ bộ, chúc hỗ…
Bảo tồn di sản
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ca trù xưa kia vốn được vua chúa, quan lại yêu thích, được phổ biến trong dân gian và quy định thành tục lệ trong hương ước, tộc ước, khoán hội của làng xã… Bắc Giang là một trong những địa phương xuất hiện ca trù sớm (khoảng từ thế kỷ XVI). Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, có giai đoạn loại hình nghệ thuật này bị mai một.
Kể từ năm 2009, khi ca trù được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, loại hình nghệ thuật này được huyện Yên Dũng quan tâm. Ngoài duy trì sinh hoạt đều đặn, các thành viên CLB còn tích cực tham gia nhiều liên hoan, hội diễn của huyện, tỉnh và đoạt giải cao với hàng chục tiết mục, làn điệu đặc sắc.
Ông Tạ Hải Năm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa,Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh hoạt động biểu diễn ca trù thông qua các cuộc giao lưu, hội thi, hội diễn để tìm kiếm, phát hiện những hạt nhân, từ đó có hướng bồi dưỡng, đào tạo làm nòng cốt cho phong trào ở cơ sở. Tham mưu với UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí, trang phục, đạo cụ, nhạc cụ biểu diễn để CLB hoạt động tốt hơn.
Với sự quan tâm của chính quyền, ngành chức năng huyện Yên Dũng, hy vọng loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này sẽ trường tồn trên vùng đất Phượng Hoàng, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã được UNESCO vinh danh.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)