Khai thác lợi thế, phát triển nông nghiệp hàng hóa
BẮC GIANG - Phát huy tiềm năng, lợi thế, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang) quan tâm phát triển các mô hình sản xuất phù hợp. Từ đó, tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đưa giống mới vào trồng
Trở lại xã Đông Phú những ngày tháng Tám, chúng tôi đi trên những con đường trải nhựa, bê tông phong quang sạch đẹp. Thăm các thôn trong xã, chúng tôi bị hút tầm mắt bởi màu xanh ngát, tràn đầy sức sống của những đồi bạch đàn, vườn cây ăn quả, ruộng khoai sọ, đậu tương rau.
Từ trồng ổi, mỗi năm ông Vũ Văn Tiến (bên trái) thu lãi hơn 200 triệu đồng. |
Ghé vào gia đình ông Vũ Văn Tiến (SN 1968), thôn Trong đúng lúc hai vợ chồng ông đang bọc túi ni lông cho quả ổi. Tạm dừng công việc, ông Tiến chia sẻ, trước đây, cũng như bao hộ dân khác trong thôn, gia đình ông chỉ cấy lúa, trồng khoai lang nên cái nghèo cứ đeo bám.
Gần 10 năm trước, được người bạn giới thiệu, ông mua 50 cây ổi Đài Loan về trồng. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục cải tạo vườn tạp của gia đình để mở rộng diện tích. Hiện với hơn 1 mẫu trồng ổi, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng.
“Cây ổi thực sự trở thành cây thoát nghèo của gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong thôn. Từ trồng ổi, chúng tôi có điều kiện cải tạo nhà ở, nuôi dạy các con và đóng góp vào các phong trào tại địa phương”, ông Tiến chia sẻ.
Đông Phú là xã miền núi của huyện Lục Nam, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, từ những chương trình, chính sách hỗ trợ, người dân trong xã được tiếp cận nhiều kỹ thuật mới nên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất.
Tại thôn Thanh Sơn, trên cánh đồng mẫu gần 30 ha, bà con duy trì thâm canh 3 vụ/năm (1 vụ lúa, 2 vụ màu) với những loại cây có giá trị kinh tế cao như: Dưa các loại, hành, tỏi, khoai tây… Từ sự năng động, chịu khó, hiện thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm; thôn chỉ còn 1 hộ nghèo.
Sau gần 5 năm bén rễ, đậu tương rau trở thành cây trồng chủ lực ở Đông Phú. |
Tương tự, những năm gần đây, thôn Ngoài cũng giảm dần diện tích cấy lúa để chuyển sang các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Hiện trên diện tích 32 ha, thôn chỉ còn 6 ha cấy lúa, còn lại trồng đậu tương rau, khoai sọ và cây rau màu.
Ông Nguyễn Văn Phượng, Trưởng thôn Ngoài cho biết: “Để phủ xanh ruộng đồng, Chi bộ, ban quản lý thôn có nhiều buổi họp bàn, tìm hướng phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây, con giống mới có năng suất cao vào sản xuất, chúng tôi có kế hoạch sản xuất cụ thể, bảo đảm mùa nào, nông sản đó”.
Liên kết để nâng giá trị
Với hơn 700 ha đất sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Đông Phú tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa với những cây rau màu chế biến đang có thế mạnh tại địa phương.
Nông dân xã Đông Phú làm đất trồng rau màu. |
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, xã quan tâm lựa chọn, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng, đồng thời định hướng cho các hộ cùng sản xuất một loại nông sản liên kết với nhau để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX).
Ví như để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, 28 hộ trồng na ở thôn Đại Đồng liên kết thành lập HTX na dai Đại Đồng với tổng diện tích 14,5 ha. Tham gia HTX, các thành viên có cơ hội đưa sản phẩm tham gia các hội chợ tiêu thụ nông sản, mở rộng giao lưu, hợp tác, liên kết phát triển. Tương tự, cuối năm 2023, 15 hộ trồng ổi ở thôn Trong cũng liên kết thành lập HTX An Phú.
Đối với cây rau màu, hiện trong xã đã thành lập được 17 tổ hợp tác sản xuất: Đậu tương rau, khoai sọ Nhật, dưa leo, táo... Hiện với gần 550 ha rau màu chế biến, rau an toàn, mỗi năm nông dân trong xã thu về hơn 90 tỷ đồng. Cùng đó, từ trồng cây ăn quả (vải thiều, ổi, na), người dân cũng thu về hơn 40 tỷ đồng/năm.
Từ sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng, hiện đạt 50 triệu đồng/người/năm, vượt 2 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025; toàn xã chỉ còn 61 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,1%.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực song qua đánh giá, trên địa bàn xã chưa tổ chức được vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn ít, việc liên kết sản xuất chỉ ở một số cây trồng có diện tích lớn…
Để gỡ những “nút thắt” này, xã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm đa dạng phù hợp với địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX nông nghiệp để cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… nhằm giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm.
"Để khuyến khích các chủ thể sản xuất mở rộng quy mô, tăng cường cơ giới hóa, chúng tôi sẽ lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác và chế biến sản phẩm. Cùng đó nâng cấp đường giao thông dẫn đến vùng sản xuất hàng hoá, bảo đảm cho sản xuất và lưu thông hàng hoá thuận lợi”, ông Đào Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)