Khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội
Các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước đã dự Đại hội.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc Đại hội. |
Đại hội còn có sự tham dự của các cán bộ lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, đại biểu công dân ưu tú của Thủ đô.
Khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ thành phố xác định quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự Lễ khai mạc Đại hội. |
Báo cáo nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội đi vào cuộc sống.
Thành ủy Hà Nội đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Kinh tế liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ.
Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3 - 7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ đô la Mỹ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 đô la Mỹ, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán; lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015.
Công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại của thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số lĩnh vực có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công được cải thiện (chỉ số SIPAS năm 2019 tiếp tục đạt trên 80%). Thành phố có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước. Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố liên tục được cải thiện qua các năm: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2019 xếp thứ 2, tăng 7 bậc so với 2015…
Công tác xây dựng nông thôn mới của thành phố thu được kết quả toàn diện, nổi bật, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm 2020, toàn thành phố có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra và là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô.
Tình hình chính trị được giữ vững, ổn định, quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố, trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn. Thành phố tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới...; việc phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao cả trong nước và quốc tế...
Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)