Khắc phục tình trạng "xôi đỗ" trong ngầm hóa cáp viễn thông
BẮC GIANG - Chủ trương ngầm hóa, chỉnh trang cáp viễn thông đã được triển khai trên địa bàn tỉnh từ lâu. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên đến nay, tỷ lệ ngầm hóa, chỉnh trang cáp viễn thông vẫn đạt thấp và theo kiểu "xôi đỗ", chủ yếu mới thực hiện ở các khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) mới. Hiện các địa phương, doanh nghiệp (DN) đang tập trung nhiều giải pháp để nâng tỷ lệ này trong thời gian tới.
Tỷ lệ ngầm hóa đạt thấp
Được biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc triển khai ngầm hóa cáp viễn thông. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên đến năm 2020, tỷ lệ này vẫn đạt thấp, chủ yếu mới thực hiện được ở một số tuyến phố chính trên địa bàn TP Bắc Giang. Trước tình hình đó, ngày 30/11/2020, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch 5217/KH-UBND về ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp thông tin trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Trong đó xác định tại các KDC, KĐT, tuyến đường mới yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư phải thiết kế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cống, bể ngầm dùng chung để bố trí đường dây, đường ống kỹ thuật của các DN viễn thông, đơn vị nào treo cáp trong khu vực này sẽ bị xử lý.
KĐT Chuôm Nho, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) đã thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông. |
Trong giai đoạn này sẽ ưu tiên chỉnh trang, bó gọn dây dẫn trên 43 tuyến đường với tổng chiều dài gần 47 km và ngầm hóa 41 tuyến khác với tổng chiều dài 146 km tại TP Bắc Giang. Với địa phương khác phấn đấu hằng năm chỉnh trang, bó gọn thêm 20-30 km cáp viễn thông. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước (áp dụng tại các KĐT, KDC xây mới), DN viễn thông, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
Toàn tỉnh có hơn 5,3 nghìn km cáp viễn thông. Tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông, đến đầu năm 2022, chiều dài cáp ngầm là 545 km (10,4%); còn lại hơn 4,7 nghìn km cáp treo (89,6%). Năm 2023, toàn tỉnh ngầm hóa thêm gần 120 km cáp viễn thông và bó gọn 250 km. Tính ra, tỷ lệ ngầm hóa mới đạt khoảng 13%. Một số nơi kết quả rất thấp như huyện Sơn Động mới ngầm hóa được 3 km, chỉnh trang 12 km; huyện Yên Dũng ngầm hóa 3,5 km, bó gọn 6,8 km...
Huyện Hiệp Hòa phấn đấu hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV vào cuối năm 2024. UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị, DN viễn thông, chủ đầu tư KĐT phía Tây và phía Nam thị trấn Thắng phối hợp triển khai ngầm hóa, bó gọn cáp viễn thông. Tuy nhiên, do chủ đầu tư chưa mặn mà nên đến nay, việc ngầm hóa ở hai KĐT này vẫn chưa được thực hiện.
Ngoài lý do trên, còn do những năm gần đây, các huyện, thị xã, TP đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị nhưng chưa quan tâm thu hút đầu tư ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông cho đồng bộ. Một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, chậm ban hành kế hoạch hoặc kế hoạch chưa sát với thực tiễn dẫn đến khó triển khai. Thêm nữa, sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với các DN viễn thông, truyền hình cáp, Công ty Điện lực Bắc Giang chưa thường xuyên. Kinh phí ngầm hóa lớn nên một số DN chưa tích cực vào cuộc.
Xử phạt chủ đầu tư không tuân thủ
Năm 2024, các địa phương đăng ký với Sở Thông tin và Truyền thông ngầm hóa 120 km, chỉnh trang, bó gọn 212 km cáp viễn thông. Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo, hướng dẫn DN viễn thông, truyền hình cáp thực hiện bảo đảm phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan chức năng các cấp thẩm định, phê duyệt. Nhằm cải tạo hạ tầng viễn thông, bảo đảm an toàn và cảnh quan đô thị, các đơn vị cũng chỉnh trang, bó gọn, thanh thải cáp thừa không còn sử dụng tại các khu dân cư cũ.
Năm 2024, các địa phương đăng ký với Sở Thông tin và Truyền thông ngầm hóa 120 km, chỉnh trang, bó gọn 212 km cáp viễn thông. |
Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền và DN rốt ráo vào cuộc, ở nơi đó tiến độ ngầm hóa có chuyển biến tích cực. Theo đồng chí Đào Công Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang, hiện 100% KĐT mới trên địa bàn được quy hoạch ngầm hóa đồng bộ viễn thông, hệ thống thoát nước. Toàn TP hiện có 50/84 tuyến đường với tổng chiều dài gần 60 km đã và đang được đầu tư, thi công hệ thống cống bể cáp phục vụ ngầm hóa; 34 tuyến với chiều dài hơn 27 km chưa thể ngầm hóa được cơ quan chức năng treo gông, cáp chịu lực hoặc bó gọn.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện Tân Yên thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn, DN để triển khai nhiệm vụ ngầm hóa, chỉnh trang đô thị. Ghi nhận ở thị trấn Nhã Nam thời gian qua có 7 dự án xây dựng KĐT, KDC mới do UBND thị trấn làm chủ đầu tư đều có cống kỹ thuật phục vụ ngầm hóa.
Được biết, để xây dựng cảnh quan đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh phù hợp với tiêu chí đô thị loại IV, mới đây Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa đã chủ trì buổi làm việc với các DN viễn thông, chủ đầu tư các KĐT, KDC đề nghị phối hợp khẩn trương ngầm hóa, chỉnh trang, bó gọn cáp viễn thông. Trước mắt sẽ ngầm hóa, bó gọn tại đường Quang Trung, các KĐT, KDC mới sau đó mở rộng đến các trục đường chính của thị trấn Thắng, trung tâm các xã năm nay xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Việc hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông trước mắt sẽ tốn thêm chi phí song về lâu dài góp phần hạn chế các rủi ro như: Cháy nổ, đứt, đổ đường dây do thiên tai..., giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố; đồng thời mang đến diện mạo mới cho đô thị, nông thôn. Được biết, từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam bố trí hơn 6,8 tỷ đồng ngầm hóa, bó gọn các tuyến cáp của đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tương tự, từ năm 2018 đến nay, Tập đoàn Viettel dành hơn 30 tỷ đồng để ngầm hóa đường dây tại các KDC, KĐT, khu công nghiệp, tuyến đường trung tâm tại Bắc Giang.
Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các DN tiếp tục đề xuất với tập đoàn, tổng công ty bố trí kinh phí thực hiện chỉnh trang, ngầm hóa đường dây cáp viễn thông; tháo dỡ, thu hồi các tuyến cáp không còn sử dụng. Các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong xây dựng nếu chủ đầu tư không thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông theo quy định.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)