Hồn làng
Từ thuở nằm nôi đến khi lớn lên, đi khắp chân trời góc bể không dễ quên cây đa, giếng nước, sân đình, câu quan họ dùng dằng triền đê, lời ăn tiếng nói người làng. Tế Hanh một hôm nào đó lặng nhìn cánh buồm trên sông bỗng thốt lên: “Cánh buồm căng như một mảnh hồn làng”. Không chỉ Tế Hanh, các nhà thơ Việt, nhất là thời kỳ thơ mới, hầu như ai cũng để lại một vài bài thơ da diết về làng quê.
Làng quê yên ả ở xã Lãng Sơn, Yên Dũng. Ảnh: Nguyễn Đăng Giang. |
Đoàn Văn Cừ trong buổi đi chợ Tết bỗng sững lại khi bắt gặp: “Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa”. Nữ sĩ Anh Thơ một chiều xuân mưa bay như khói, chợt nhận ra: “Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”. Hàn Mạc Tử nhớ về người chị tấm bổi của mình nhắc tới bờ sông trắng: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”…
Nhiều, nhiều lắm. Từ năm 1941, viết về thơ Nguyễn Bính, nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy ngàn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta”.
Hồn làng là thế. Là những gì vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa nhỏ bé vừa lớn lao, vừa rất riêng vừa hòa vào tất cả, vừa là quá khứ vừa là hiện tại-tương lai, vừa giống và vừa khác. Ta hãy cùng tìm hiểu về nết đất, nết người; về tập quán làm ăn; về làn điệu dân ca quan họ; về tục ngữ, ca dao… sẽ xác tín cho những điều vừa nêu trên.
Giữa phố phường nhộn nhịp, người làng nhận ra nhau có khi chỉ ở dáng đi, ở cách ăn mặc, và không lẫn đâu được là tiếng nói. “Người quê tiếng đục tiếng khàn/Gặp nhau mừng tủi tiếng làng thương thương”. Có khi hai làng cách nhau chỉ một con mương nhỏ mà tiếng nói đã nặng nhẹ, nhấn nhá khác nhau.
Người Phú Thọ, Hà Nam đều có thể cất lời quan họ, nhưng quan họ có nhung có tuyết, có nỗi có niềm, thật vang, rền, nền, nẩy thì phải là người của các làng quan họ ven sông Cầu. Bù lại Phú Thọ đã có hát xoan, Hà Nam có hát dặm. Nghĩa là mỗi nơi đã có một tấm áo vừa vặn được may bằng nghĩa núi, tình sông.
Nhưng khi đã xa núi, xa sông, xa mái đình, cây đa, bến nước thì hồn làng chả khác nào con dấu chìm lặn vào xương thịt con người. Nguyễn Khoa Điềm viết về điều ấy: “Họ gánh theo tên xã tên làng trong những chuyến di dân”. Người làng tự hào về người quê mình. Những người con thành đạt là tấm giấy thông hành của một vùng đất.
Xem bộ phim truyền hình nhiều tập “Về nhà đi con”, cô gái ngồi bên tôi xuýt xoa: Bảo Thanh là người Bắc Giang chúng em đấy! Mới rồi khi đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam thi đấu trận chung kết với In-đô-nê-xi-a, ở quê nhà – Dương Quan, Thủy Nguyên, Hải Phòng- gia đình thủ môn Văn Toản dựng rạp, làm cỗ mời dân làng, để: “Cổ vũ và tiếp sức cho đội tuyển bóng đá Việt Nam”. Thế đấy, quê hương vừa rất riêng vừa hòa vào tất cả.
Tết Canh Tý đang về, nói tới hồn làng là điều rộng lớn, mà bạn đọc quý mến thì đang tất bật cho bữa cơm tất niên, chúng tôi chỉ xin nói tới hai điều góp phần chung đúc nên hồn làng, đó là kiến trúc làng quê và phép ứng xử của “người làng” hôm nay.
Cách đây chừng nửa thế kỷ, nói đến làng quê là nói đến không gian đình và không gian chợ. Đó là đặc sắc, là nét “làng” đậm nhất của nông thôn ta. Lệnh làng nào làng nấy đánh, Thánh làng nào làng nấy thờ. Làng nào cũng có đình thờ vị Thành hoàng.
Hội làng bao giờ cũng gắn với lễ, mà lễ phải được thực thi các nghi lễ tại đình làng. Những hội làng ấy cách nay đã lâu nhưng ai dễ quên tiếng sênh, tiếng phách, tiếng làng chông chênh. Lễ hội là để hiểu sử làng, văn hóa làng, mà vun bồi truyền thống. Hồn làng ngấm vào ta tự lúc nào. Ấy thế mà một dạo do nhận thức, người ta cho rằng lễ rước, thờ cúng là “duy tâm”.
Và thế là rất nhiều đình chùa bị phá rỡ. Có những bức tượng, quả chuông, khánh đá mấy trăm năm tuổi bị vứt bỏ. Sau này chúng ta đã tìm cách phục hồi nhưng “gạo đổ bốc chẳng đầy thưng”. Phục hồi được hình nhưng mà biến dạng. Phục hồi được các không gian lễ hội, các đám rước, nhưng cứ gượng gạo thế nào.
Chợ quê cũng tương tự. Bạn chợ thuộc nhau làu làu, thuộc từ cái nón mê trên đầu đến cái đòn gánh cong. Có lần cháy chợ, người ta nhận ra một cái đòn gánh đã bị cháy thành than là của bà bán trầu vỏ vì nó cong quá mức. Người ta thuộc tính thuộc nết, thuộc cách ví von của chị hàng cá, của anh hàng rổ rá, của bác thợ nhuộm, của dì hàng xáo…
Nào là: “Rau có non thì tiền mới đắt”. Nào là: “Đồng nát thì về cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Nào là: “Thật thà như bánh đúc bày sàng”, “Làm sao lấy thúng úp voi”, “Lấy mực làm đen, lấy vôi làm trắng, lấy phèn làm chua”… Tôi đi chợ, bạn đi chợ, mọi người đi chợ, có khi chả mua được gì nhưng được con mắt liếc dao cau và bao lời quê đáo để, ngọt lành.
Bỗng đâu có ngày người ta chuyển chợ. Chợ làng được chuyển sang khu mới trên nền đất ao, đất ruộng cũ. Tiếng cá quẫy, cá đớp trăng tũng toẵng chỉ còn trong chiêm bao. Chợ làng chia ngăn chia ô, học theo lối đô thị. Nhưng chả ai muốn vào chợ mới.
Ăn bát bún riêu, uống bát nước chè xanh chỉ cần ngồi trên manh vỉ buồm, cần gì phải bàn nọ ghế kia. Mấy anh cán bộ thuế cầm tập hóa đơn đỏ xé cái roẹt. Chao ôi, mấy con gà, con vịt, mấy món hàng xay hàng xáo cũng đăng ký hành nghề nghe cứ sao sao, cứ chả ra thế nào (!). Đã có chợ lớn thì cũng sinh ra nhà mặt chợ.
Nhà ống thay cho nhà ngói, chồng bốn, năm tầng ngất ngưởng, nhôm kính sáng lòa. Trước cửa một con béc-giê to như con bê mắt long sòng sọc. Ai đi qua trước cửa cũng ớn lạnh ngang hông. Rồi những con đường lát gạch nghiêng trong xóm có tuổi thọ hàng thế kỷ bỗng đâu bị cạy lên, đổ bê tông. Thành thử quê không ra quê, phố không ra phố.
Cái này mấy bác làm chương trình nông thôn mới lo lắm. Hình như không ít nơi đang có xu hướng chạy theo cái vỏ mà quên đi cái ruột. Mới gì thì mới vẫn phải giữ được thuần phong mỹ tục, giữ cái hồn làng. Cũng phải lo vun đắp những giá trị được coi là hồn cốt của làng quê.
Cả làng lô xô nhà bê tông kín cổng cao tường, lác đác vài căn nhà ngói, mấy giậu cúc tần. Cả làng hướng tới công nghiệp hóa trong xây dựng, chỉ cố giữ cái cổng làng, trên chữ Nho, dưới chữ Quốc ngữ. Thành ra cái ao làng đang trong thế giờ cứ thấy như nước bị nhuộm thuốc tẩy xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng.
Lo lắm. Có nhà nghiên cứu văn hóa lo xa: Nhà lên cao tầng văn hóa lên đâu? Hình như làng đang vỡ, tiếng Việt đang vỡ các ông ạ! Chúng ta không nệ cổ. Chúng ta hướng tới công nghiệp hóa, nếp sống văn minh. Nhưng không vì thế mà mất đi kiến trúc làng xã, mất đi những lễ hội dân gian gạn lọc phù sa văn hóa, làm giàu tình người, tình quê. Cái khó chính là chỗ ấy.
Tết là dịp cùng nhau ôn lại những ký ức một thời. Trong những ký ức ấy sẽ thắp lên, sẽ lung linh những đốm lửa. Những đốm lửa làng le lói. Mỗi lần xuống tàu hỏa vào ban đêm náo nức về làng cứ thấy đốm lửa ngay trước mặt, thế mà đi mãi đi mãi vẫn chưa tới.
Ấy là cảm giác của người đi bộ. Còn đi ô tô dễ không có được cảm giác này. Nhưng tôi cứ nghĩ cái đốm lửa văn hóa rất gần mà rất xa ấy thì luôn luôn đúng mọi thời. Có khi tưởng nắm trong tay rồi mà thật ra còn xa lắm.
Hải Đường
Ý kiến bạn đọc (0)