Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi phát biểu, gợi mở nhiều vấn đề tại hội thảo. |
Về phía tỉnh Bắc Giang có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, cơ quan báo chí của T.Ư, tỉnh…
Bám sát tiêu chí
Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà báo Trịnh Văn Ánh, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại", kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 21/6/2022, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam gồm 12 điểm (6 điểm dành cho cơ quan báo chí, 6 điểm dành cho người làm báo).
Nhà báo Trịnh Văn Ánh phát biểu tại hội thảo. |
Ngày 30/6, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam ban hành hướng dẫn triển khai phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí". Cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, việc triển khai phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" trong thời điểm hiện nay là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong "sứ mệnh của người cầm bút".
Đồng chí Nguyễn Văn Hạnh phát biểu tại hội thảo. |
Vun đắp, xây dựng tập thể văn hóa
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề như: Kinh nghiệm bước đầu trong triển khai phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; những yếu tố cốt lõi trong văn hóa báo chí; phấn đấu trở thành người làm báo "vừa hồng, vừa chuyên" góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; làm rõ tiêu chí văn hóa để nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; làm gì để mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa?.
Tuyên truyền, vận động hội viên, nhà báo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, gắn với nâng cao văn hóa của người làm báo; trách nhiệm xã hội - nghĩa vụ công dân và văn hóa người làm báo trong thời đại 4.0; xử lý việc đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trung thực khách quan vì động cơ cá nhân; thực hiện văn hóa người làm báo gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam …
Các đồng chí chủ tọa hội thảo. |
Nhà báo Lê Trọng Lập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang cho rằng: Cơ quan báo chí là ngôi nhà chung của người làm báo. Người làm báo đến cơ quan là trở về ngôi nhà của mình. Họ tìm thấy sự chia sẻ, động viên, nguồn sinh lực mới sau mỗi chuyến tác nghiệp. Do đó, lãnh đạo cơ quan báo chí cần lắng nghe, chia sẻ, bàn bạc, góp ý và định hướng để tìm ra cách làm, hướng đi đúng, tốt nhất cho người làm báo. Xây dựng môi trường làm việc ở tòa soạn dân chủ, cởi mở, hiểu biết; tôn trọng ý kiến, đề xuất của cá nhân, tổ, nhóm.
Quang cảnh hội thảo. |
Theo nhà báo Triệu Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc, tính nhân văn trong tác phẩm báo chí là yếu tố không thể thiếu của văn hóa báo chí. Đội ngũ nhà báo trong quá trình tác nghiệp ngoài việc tôn trọng sự thật phải chú ý đến yếu tố nhân văn trong cách thể hiện. Khi viết báo phải suy nghĩ đến hiệu quả, đến cái "hậu" về sau. Nhà báo không thể vì lợi ích nhất thời mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí.
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, văn hóa là mảng đề tài rất thú vị nhưng để có được tác phẩm hay không hề đơn giản. Để có tác phẩm tốt, các nhà báo phụ trách lĩnh vực này cần hội tụ "4S" (say mê, sáng tạo, sâu sắc, sinh động) trong thể hiện tác phẩm. Các cấp hội nhà báo cần chủ động phối hợp tổ chức các cuộc thi và giải báo chí về chủ đề xây dựng đời sống văn hóa.
Nhà báo Triệu Thị Thanh Bình tham luận về tính nhân văn trong tác phẩm báo chí. |
Theo nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hải Phòng, mạng xã hội là nguồn tin vô cùng phong phú cho các cơ quan báo chí khai thác sử dụng. Tuy nhiên, có những thông tin thiếu kiểm chứng, không đúng sự thật. Người làm báo sử dụng mạng xã hội phải biết chọn lọc kỹ lưỡng, kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn, khai thác, sử dụng có định hướng.
Nhà báo Trần Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang cho rằng, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa cần phải được thực hiện đồng thời với xây dựng đội ngũ những người làm báo văn hóa. Từ mỗi cá nhân có văn hóa trong lối sống, giao tiếp, ứng xử, có văn hóa trong hoạt động nghề nghiệp sẽ góp phần xây dựng, vun đắp nên một tập thể có văn hóa. Để làm được điều đó đòi hỏi sự đề cao và phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan. Không ai khác, chính đội ngũ này là tấm gương sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, từ đó dẫn dắt và truyền nhiệt huyết tới mỗi cá nhân cùng chung tay, góp sức xây dựng cơ quan.
Nhà báo Trần Đức tham luận về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa. |
Lan tỏa giá trị tiến bộ, nhân văn
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang thông tin tóm tắt tình hình KT-XH nổi bật tỉnh Bắc Giang đạt được thời gian qua tới các đại biểu. Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang, đồng chí trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo đã đóng góp vào thành tích chung của tỉnh. Thông qua hội thảo, đồng chí đề nghị Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục triển khai phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Lợi biểu dương Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang lựa chọn chủ đề tổ chức hội thảo lần này vừa có tính thời sự, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài đối với hội nhà báo các cấp, nhất là các cơ quan báo chí và người làm báo. Đây là một trong những hình thức nhằm cụ thể hóa việc phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí của Bắc Giang nói riêng và người làm báo trong khu vực các tỉnh phía Bắc nói chung. Từ đó nhân rộng ra cả nước, động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.
Đồng chí ghi nhận nỗ lực, kết quả đạt được bước đầu trong triển khai phong trào của một số hội nhà báo tỉnh, TP, gợi mở, định hướng những vấn đề, nhiệm vụ mà hội nhà báo các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó, cần chú trọng việc "phát" nhưng phải "động", tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Trịnh Văn Ánh trân trọng cảm ơn, đánh giá cao ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Các tham luận đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau về chủ đề hội thảo. Để phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo Bắc Giang tiếp tục hưởng ứng, tạo sức lan tỏa, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng danh hiệu “chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng".
Ý kiến bạn đọc (0)