Xây dựng khu dân cư văn hóa ở Bắc Giang: Đảng viên nêu gương, nhân dân chung sức
Phát huy vai trò đảng viên
5 năm trước, những con đường của thôn Ao Dẻ 1, xã Hương Lạc (Lạng Giang) nhỏ hẹp, trục chính rộng nhất cũng chỉ từ 2-2,5 m nên việc đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa của bà con trong thôn gặp khó khăn. Việc nâng cấp rất khó thực hiện bởi cần nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách của xã có hạn.
Cán bộ, đảng viên thôn Ao Dẻ 1, xã Hương Lạc (Lạng Giang) tuyên truyền người dân tích cực tham gia xây dựng làng văn hóa. |
Chi bộ thôn Ao Dẻ 1 họp ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng đường giao thông, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí đảng viên tuyên truyền rõ chủ trương, lợi ích làm đường để các gia đình hưởng ứng. Năm 2019, chưa đầy 1 năm kể từ khi bắt tay thực hiện, 100% đường trục chính và ngõ của thôn đã được bê tông hóa với tổng chiều dài gần 20 km, mặt đường trục chính rộng 5 m.
Nhiều đảng viên trong chi bộ, đồng thời là trưởng các đoàn thể hiến từ 100-300 m đất ruộng, vườn của gia đình. Các hộ đều cử người tham gia đóng góp ngày công để giảm chi phí xây dựng. Ông Phạm Văn Vững, Bí thư Chi bộ thôn Ao Dẻ 1 cho biết: “Trong phong trào xây dựng thôn văn hóa gắn với nông thôn mới, đảng viên, trưởng các đoàn thể đều được chi bộ phân công nhiệm vụ, phụ trách ở từng lĩnh vực, tổ liên gia, bám sát các tiêu chí để thực hiện.
Chi hội cựu chiến binh phụ trách lĩnh vực an ninh, trật tự, phong trào "Thắp sáng đường quê"; chi hội phụ nữ đảm nhận công tác vệ sinh môi trường; chi hội nông dân giúp nhau phát triển kinh tế… 14 năm qua, thôn Ao Dẻ 1 liên tục giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, cũng chừng ấy năm thôn không có người sinh con thứ ba; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên.
Hiện nay, khoảng 90% các hộ trong thôn có nhà kiên cố, trong đó gần 40% nhà xây mới hiện đại, 30% số hộ làm thương mại, dịch vụ; nhiều hộ mua ô tô tải vận chuyển, tiêu thụ rau màu cho bà con trong thôn”.
Ở xã Cao Xá (Tân Yên), có 25 thôn với hơn 13 nghìn dân. Việc xây dựng GĐVH, khu DCVH được Đảng ủy xã xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện. Trên cơ sở nội dung của nghị quyết.
Đảng ủy xã giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, nếu như tiêu chí nào của thôn không đạt do nguyên nhân chủ quan, đảng viên, ban, ngành đoàn thể phụ trách chịu trách nhiệm trước cấp ủy, đồng thời gắn với việc đánh giá, xếp loại thi đua tập thể, cá nhân. Từ đó phong trào xây dựng GĐVH, khu DCVH dần đi vào nền nếp.
Đánh giá của ngành chức năng, phong trào xây dựng GĐVH, khu DCVH ngày càng được cấp ủy nhiều nơi trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với các phong trào, cuộc vận động thông qua việc ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện.
Tùy đặc thù, điều kiện, tình hình ở mỗi địa phương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vận dụng cách làm, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên, hội viên để triển khai thực hiện các tiêu chí. Nhiều xã, phường, thị trấn còn xây dựng mô hình khu DCVH điển hình trên các lĩnh vực như: Làng văn hóa xanh - sạch - đẹp; thôn văn hóa điển hình phát triển kinh tế; thôn văn hóa điển hình văn nghệ, thể thao; làng văn hóa phát triển toàn diện...
Sâu sát cơ sở
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền vận động, coi trọng vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ban, ngành, đoàn thể, công tác nắm bắt tình hình cơ sở, kiểm tra, giám sát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng phong trào được nhiều nơi quan tâm, có cách làm sáng tạo. Tìm hiểu tại xã Trí Yên (Yên Dũng), việc xây dựng GĐVH, khu DCVH được gắn với nhiều phong trào, nhất là xây dựng nông thôn mới (NTM).
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của Chi hội Phụ nữ thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung (Việt Yên). |
Tháng 10/2021, xã về đích NTM sớm hơn 1 năm so với kế hoạch và phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2023. Để đạt được mục tiêu đó, việc xây dựng GĐVH, thôn văn hóa được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Nguyễn Văn Điền, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Ngoài việc ban hành nghị quyết của Đảng ủy lãnh đạo về lĩnh vực văn hóa-xã hội, trong đó có xây dựng GĐVH, khu DCVH, hằng quý, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và các ngành đến từng thôn đối thoại, tiếp xúc với bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận và người dân để nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Đảng ủy xã phân công các đồng chí trong ban thường vụ, đảng ủy viên, đồng thời giao nhiệm vụ cho chi bộ và từng đảng viên phụ trách địa bàn theo hình thức giao việc gắn với đánh giá, xếp loại thi đua. Hằng năm, tỷ lệ đạt danh hiệu GĐVH của xã từ 90% trở lên, thôn văn hóa từ 85-86%. Các thôn tiêu biểu nhiều năm giữ vững danh hiệu văn hóa như: Đức Thành, Long Khánh, Sơn Thượng, Long Sơn.
Việc thực hiện phong trào xây dựng GĐVH, khu DCVH ngày càng được cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, tạo thành khối đại đoàn kết gắn bó giữa các gia đình, tình làng, nghĩa xóm được củng cố. |
Năm 2021, toàn tỉnh có 1.809/2.128 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 85% (tăng 9% so với năm 2020, tăng 4,3% so với kế hoạch năm). Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa là 90,8%. Số GĐVH đạt 3 năm liên tục trở lên chiếm tỷ lệ 67,7%.
Mục tiêu phấn đấu năm 2022, toàn tỉnh duy trì, giữ vững tỷ lệ 88,5% số gia đình được công nhận danh hiệu GĐVH; 81% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”. Việc thực hiện phong trào xây dựng GĐVH, khu DCVH ngày càng được cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, tạo thành khối đại đoàn kết gắn bó giữa các gia đình, tình làng, nghĩa xóm được củng cố.
Bài học kinh nghiệm được các địa phương rút ra đó là cấp ủy, nhất là người đứng đầu ở cơ sở phải quan tâm, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gần dân, sát dân, chú trọng vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng, quy rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân.
Đặc biệt phải tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy. Mọi chủ trương phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, hợp lòng dân. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cách làm; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát”.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)