Hội CCB tỉnh: Trẻ hóa đội ngũ cán bộ cơ sở
BẮC GIANG - Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ nhằm tạo sự năng động trong hoạt động của Hội. Cán bộ trẻ có khả năng tiếp nhận khoa học kỹ thuật, xây dựng chính quyền số một cách nhanh chóng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm 2022, anh Hoàng Văn Tuất (SN 1982), được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thanh (Lạng Giang). Ở tuổi 40, lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác hội, nên thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn. Anh chia sẻ: “Do đặc thù, cán bộ, hội viên đều tuổi cao nên việc huy động hội viên tham gia các phong trào nhiều lúc khó khăn. Bên cạnh đó là sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm của hai thế hệ”.
CCB Hoàng Văn Tuất hướng dẫn người dân sử dụng mã QR để truy cập thông tin về văn bản hành chính. |
Để vượt qua được những khó khăn đó, ngay từ những ngày đầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội, anh Tuất đã không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Nói đi đôi với làm, anh thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nhân dân. Đồng thời, triển khai kịp thời các phong trào thi đua, các hoạt động của hội; phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của chính quyền địa phương đến hội viên. Còn nhớ cuối năm 2023, thôn Mải Hạ thực hiện giải phóng mặt bằng xây dựng khu dân cư giai đoạn 3.
Một số hộ dân ban đầu chưa đồng thuận, không nhận tiền đền bù. Nắm bắt sự việc, anh Tuất đã cùng cán bộ hội đến từng gia đình để động viên, tìm hiểu nguyện vọng. Cùng đó, vận động trưởng tộc, một số người có uy tín trong dòng họ động viên, thuyết phục các gia đình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, đến nay các hộ đã nhất trí nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Để giúp hội viên khó khăn, anh Tuất thông qua các mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok để vận động cán bộ, hội viên, nhân dân hỗ trợ gần 60 triệu đồng và 256 ngày công cho 6 CCB có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở. Trong công tác xây dựng chính quyền số, xây dựng thôn thông minh, anh cùng Ban Chấp hành CCB xã Tân Thanh tích cực vận động hội viên cài đặt định danh điện tử mức 2. Đồng thời, chủ động kết hợp với các thôn tiến hành số hóa các quy trình niêm yết tại nhà văn hóa bằng mã QR, vận động hội viên kinh doanh sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với thực hiện tốt công tác hội, nhiều cán bộ hội CCB ở cơ sở còn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ hội viên thoát nghèo. Tiêu biểu như CCB Hoàng Văn Doanh (SN 1980), Phó Chủ tịch Hội CCB xã Lão Hộ (Yên Dũng) với mô hình nuôi ốc bươu đen. Năm 2020, sau nhiều năm nuôi cá, nhận thấy việc nuôi ốc cho thu nhập cao hơn và thị trường có nhu cầu lớn hơn nên anh Doanh đã đầu tư nuôi thử nghiệm 5 nghìn con giống. Ban đầu do chưa am hiểu về cách nuôi, nguồn nước, thức ăn, bảo đảm nơi trú ẩn cho ốc khi gặp thời tiết lạnh quá hoặc nắng nóng dẫn đến thất bại.
Không chịu đầu hàng, anh Doanh tìm hiểu kỹ thuật trên báo, đài và phương pháp xử lý nguồn nước, nguồn thức ăn từ các nhà khoa học. Qua đó, anh đã nuôi bèo để bảo đảm nhiệt độ nguồn nước vừa tạo nơi trú ẩn cho ốc. Thức ăn cho ốc cũng được anh tạo ra từ nguồn tự nhiên, không có hóa chất. Nguồn nước cũng được xử lý sạch, mực nước ổn định. Sau gần 4 năm, diện tích nuôi ốc bươu đen của anh Doanh đã mở rộng ra gần 6 nghìn m2 với 300 nghìn con. Hiện nay, bình quân gia đình anh thu lãi khoảng 800 nghìn đồng/ngày từ bán ốc.
Trong thời gian qua, nhiều hội viên CCB và người dân địa phương đến học hỏi kinh nghiệm và được anh Doanh hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, con giống như các anh: Hoàng Xuân Kỳ, Nguyễn Văn Tưởng, Nguyễn Văn Phú, Hoàng Văn Mạnh…
So với các chủ tịch Hội CCB những nhiệm kỳ trước, anh Thân Hoài Nam (SN 1975), Chủ tịch Hội CCB xã Song Mai (TP Bắc Giang) là người có số tuổi đời trẻ hơn cả. Là cán bộ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế với mô hình vườn, ao, chuồng, giàn. Trong đó gia đình anh nuôi gần 4 nghìn con ba ba lấy thịt, hơn 300 cây bưởi, nhãn, hàng chục con lợn thịt. Thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm; riêng nguồn thu từ ba ba khoảng 300 triệu đồng.
CCB Thân Hoài Nam bên mô hình làm kinh tế của gia đình. |
Quá trình khởi nghiệp từ nuôi ba ba của anh Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư xây dựng ao; giá giống cao, tỷ lệ con giống sống rất thấp do mắc bệnh nấm, gan mủ. Sau thời gian nghiên cứu, học hỏi về kỹ thuật, đến nay anh có thể xử lý được các loại bệnh cho đàn ba ba bằng việc dùng tỏi, nước vôi trong, qua đó nâng tỷ lên sống cho con giống đạt 98%.
Để có thể quản lý tốt các các trang trại chăn nuôi, trồng trọt các hội viên CCB Hoàng Văn Doanh, Thân Hoài Nam đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào trong quá trình sản xuất, chăn nuôi. Cả hai đều quản lý trang trại thông qua camera giám sát; hệ thống giám sát chất lượng nguồn nước; quy trình chế biến thức ăn an toàn sinh học… Qua đó, giúp tạo ra năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đồng thời giảm giá thành và lợi nhuận cao hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 556 cán bộ hội cơ sở, trong đó có 45% là cán bộ dưới 50 tuổi. Những cán bộ trẻ có ưu điểm là sức khỏe tốt, năng động, nhanh nhạy với thời cuộc, tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền hoạt động của Hội. Đặc biệt, trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, cán bộ trẻ thích ứng nhanh với công nghệ thông tin, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ như trong quản lý vốn vay, tiếp nhận khoa học kỹ thuật, nắm bắt dư luận trên mạng xã hội…
Việc tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân cũng như nắm bắt dư luận thông qua mạng xã hội được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng. Với sự tích cực, gương mẫu đi đầu của các cán bộ hội trẻ tuổi trong các phong trào thi đua đã mang lại làn gió mới, hiệu quả thiết thực cho hoạt động của Hội CCB ở cơ sở, được cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao.
Bài, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)