Gắn kết nghĩa tình cựu chiến binh
BẮC GIANG - Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc, trên trận tuyến mới, các cựu chiến binh (CCB) huyện Tân Yên đã có sáng kiến thành lập mô hình “5,10,15,20+1”. Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, điều này còn thể hiện nghĩa tình đồng đội, tạo sự gắn kết giữa các hội viên.
Ông Đồng Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Yên cho biết: "Thông qua phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, chúng tôi nhận thấy có nhiều hội viên không phải hộ nghèo, cũng không phải hộ cận nghèo nên việc tiếp cận các nguồn vốn vay của Nhà nước, của tổ chức hội để phát triển kinh tế gia đình gặp khó khăn. Vì vậy Ban Chấp hành Hội đã bàn bạc, tìm cách tháo gỡ trở ngại này. Từ đây, mô hình “5,10,15,20 + 1” ra đời".
Hội viên CCB xã Phúc Sơn (Tân Yên) được vay vốn không lấy lãi để mua bò giống. |
Theo đó, một nhóm gồm 5, 10, 15 hoặc 20 hội viên CCB có điều kiện khá, giàu cùng góp tiền (thấp nhất là 1 triệu đồng) cho 1 hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Ý tưởng này được các chi hội cơ sở đồng tình hưởng ứng.
Bắt đầu thực hiện thí điểm từ đầu năm 2023 tại xã Việt Ngọc và Phúc Sơn, đến nay, sau hơn một năm triển khai, toàn huyện đã xây dựng được 27 mô hình ở 22 xã, thị trấn với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Tùy khả năng của hội viên khá và giàu, mức đóng góp khác nhau. Nhiều nhất là hội viên Chi hội CCB thôn Cạng, xã Phúc Hòa, 6 hội viên mỗi người góp 10 triệu đồng giúp CCB Bùi Văn Hưng có thêm 60 triệu đồng mở rộng mô hình chăn nuôi lợn kết hợp thả cá.
Căn cứ tình hình thực tế, khả năng của hội viên, Hội CCB tư vấn trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả. Đơn cử như hội viên CCB ở xã Phúc Hòa vay nuôi lợn kết hợp thả cá, CCB ở xã Phúc Sơn, xã Cao Xá vay nuôi bò, xã Việt Ngọc nuôi dê, xã Liên Chung trồng cây sâm Nam... Năm đầu tiên triển khai, Hội CCB xã Việt Ngọc thực hiện 3 mô hình, nhiều nhất huyện.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Chủ tịch Hội thông tin: Đây là mô hình rất mới và ý nghĩa lần đầu tiên được thực hiện. Ở từng chi hội, hội viên có kinh tế khá và giàu người góp nhiều nhất 3 triệu đồng, ít nhất 1 triệu đồng cho vay. Nhờ đó, ông Dương Văn Lượng, thôn Cầu Trại được vay 30 triệu đồng đầu tư nuôi bò; ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Nành Tón được vay 20 triệu đồng chăn nuôi dê; ông Nguyễn Huy Liệu, thôn Ngùi được vay 21 triệu đồng để nuôi cá. Ông Đức cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình nuôi dê dưới sự tư vấn của Hội.
Dê là động vật dễ nuôi, có thể kết hợp nuôi nhốt và chăn thả tự nhiên, sử dụng các loại thức ăn thô xanh và nhiều chất xơ rất dễ kiếm. Do nhận được sự quan tâm, hướng dẫn cụ thể nên gia đình ông làm chủ kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt. Từ 10 con dê sinh sản ban đầu ông Đức mua được từ số tiền nhóm hội viên cho vay và tiền tích lũy của gia đình, đến nay tổng đàn có gần 30 con.
Ông tin tưởng rằng với mô hình này, sau 3 năm gia đình sẽ có nguồn thu đáng kể. Còn ông Liệu chia sẻ: Số tiền 21 triệu đồng mà nhóm hội viên Chi hội CCB cho vay giúp ông đủ mua cá giống nuôi trên diện tích hơn 4.000 m2 mặt nước, còn lại tiền vốn của gia đình dùng mua thức ăn, máy sục khí ô-xy... Gia đình đang chuẩn bị thu hoạch, ước được khoảng 250 triệu đồng, lãi 70 triệu đồng.
Có thể thấy, thông qua mô hình trên đã giúp các hộ hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Theo thống kê, trong số gần 14 nghìn hộ hội viên CCB toàn huyện có 11 nghìn hộ khá, giàu (chiếm hơn 80%); hơn 100 hộ nghèo, 200 hộ thuộc diện cận nghèo, còn lại là hộ trung bình. Được biết, mỗi CCB được vay sau 3 năm sẽ thu hồi để quay vòng, chuyển cho hộ khác trong từng chi hội khi có nhu cầu vốn phát triển kinh tế. Mô hình hoạt động theo phương châm lấy kinh nghiệm của người đi trước chia sẻ, giúp đỡ người đi sau để cùng vươn lên làm giàu.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)