Học chế tạo pháo trên mạng, 2 bé bị thương khắp người
Mắt 2 bé tổn thương rất nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực sau này (Ảnh: AP). |
Chiều tối 10/1, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thái Sơn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị đang tiếp nhận điều trị 2 trường hợp trong vụ việc bị tai nạn pháo nổ rất thương tâm.
Nạn nhân lần lượt là em G.B (14 tuổi) và em N.H (15 tuổi, cùng quê ở tỉnh Đắk Lắk). Khai thác bệnh sử, trước đó 2 bé rủ nhau chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng, dùng máy xay sinh tố trộn thuốc pháo.
Khoảng 21 giờ ngày 8/1, khi các bé khởi động máy xay sinh tố thì nguyên liệu làm pháo phát nổ, các mảnh thủy tinh trong chiếc máy vỡ ra găm vào khắp người.
Nghe tiếng nổ, người nhà chạy đến đưa 2 nạn nhân đi bệnh viện ở tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Vì tình trạng quá nặng, nạn nhân sau khi được cấp cứu, xử lý tổn thương ban đầu, loại bỏ những mảnh thủy tinh cắm vào người, tiếp tục được chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ xác định bé G.B bị thủng nhãn cầu, có dị vật ở khắp các vị trí như mắt, khí quản, phổi, gan...
Bệnh nhi còn rách gan, thủng ruột, có vết thương phần mềm 2 tay, rách thành trước khí quản. Ekip ở khoa Cấp cứu đã tiến hành phẫu thuật khâu giác mạc, lấy dị vật ở các nơi trên cơ thể, khâu dạ dày, cắt lọc và khâu vết thương 2 tay cho bệnh nhi. Sau đó, bé được chuyển đến khoa ICU điều trị hồi sức.
Còn bé N.H khi vào Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng thủng nhãn cầu, thủng ruột, rách gan, có nhiều dị vật ở mắt, màng phổi và trong gan... Bệnh nhi được phẫu thuật lấy các dị vật, khâu giác mạc, củng mạc ở mắt và lỗ thủng ruột, khâu phục hồi mạch máu tay phải, khâu cầm máu gan.
Tại khoa ICU, bệnh nhi tiếp tục thở máy, dùng thuốc vận mạch, sinh hiệu tạm ổn. Bác sĩ Sơn chia sẻ, vì tình trạng của 2 trẻ phức tạp, bệnh viện phải huy động nhân viên y tế nhiều chuyên khoa, chia thành nhiều ekip xử lý từ loại bỏ các mảnh vỡ thủy tinh, khâu cầm máu đến việc vệ sinh, cắt lọc da hoại tử cho bệnh nhân.
Các cuộc phẫu thuật kéo dài tổng cộng 10 giờ mới có thể giúp 2 trẻ bước đầu qua cơn nguy hiểm. Tuy nhiên, vùng mắt trẻ tổn thương rất nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực cũng như xảy ra nhiều di chứng về sau.
Trước 2 trường hợp trên một tuần, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận một bé trai bị dập nát bàn tay phải, bỏng vùng mặt, mắt và bộ phận sinh dục vì tự chế tạo pháo.
Bác sĩ khuyến cáo, trên mạng hiện nay có rất nhiều video hướng dẫn làm pháo, khiến trẻ tò mò học theo. Gia đình, trường học và cộng đồng cần phối hợp giáo dục, để trẻ nhận thức sự nguy hiểm của việc tự chế pháo, tránh xảy ra các hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán sắp đến.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)