Học Bác, chọn người tài đức vì dân, vì nước
Người trăn trở khi cuộc sống của nhân dân còn nghèo khó; Người nhắc nhở Đảng, Chính phủ phải hết lòng vì dân, vì nước. Muốn thế phải chọn người tài đức để kiến thiết nước nhà. Thời gian dù có trôi đi như thế nào, nhưng những lời Người chỉ bảo vẫn nguyên giá trị.
Kiến thiết cần phải có nhân tài
Chỉ sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công hơn hai tháng, chính quyền non trẻ còn đối diện với bộn bề khó khăn, thách thức, Bác Hồ đã có bài Nhân tài và kiến quốc đăng trên Báo Cứu quốc ngày 14/11/1945, trong đó viết, “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.
Các đại biểu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: QUỐC TRƯỜNG |
Hơn một năm sau, ngày 20/11/1946, trong bài Tìm người tài đức, chưa đến 140 chữ, Người lại viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài” và kêu gọi chính quyền các địa phương tìm người tài đức, có thể làm những việc ích nước, lợi dân báo cáo với Chính phủ. Và chính Bác là người khéo trọng dụng nhân tài hơn ai hết, đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp ra làm Bộ trưởng Nội vụ và giao Quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp, năm 1946.
Là trí thức thời thuộc Pháp, giáo sư Nguyễn Văn Huyên cũng được giao trọng trách là người đứng đầu ngành giáo dục 29 năm; cụ Bùi Bằng Ðoàn, Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn được mời làm Trưởng ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ và sau này làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội... Theo Người, ai có tài đức, có lòng yêu nước phải được trọng dụng.
Những việc Người đã làm là kế thừa tư tưởng của ông cha ta, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Càng đi vào công cuộc kiến thiết đất nước, chân lý ấy càng được minh chứng mạnh mẽ. Muốn xây dựng đất nước thành công cần phải có người tài đức đứng ra gánh vác việc chung. Vì thế, Người căn dặn, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung, bởi cán bộ là người đem chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước thi hành trong nhân dân và cũng là người nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để xem lại chủ trương, đường lối, chính sách đúng chưa. Có cán bộ tốt, thì việc gì cũng xong.
Người cho rằng, hai điều quan trọng nhất không thể thiếu ở mỗi cán bộ là tài và đức, trong đó đức là gốc. "Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai". Và không thể tự nhiên có cán bộ tài đức mà phải trải qua huấn luyện mới có và trong rèn luyện, nhất là khi bố trí, sử dụng cán bộ càng phải chú ý cả đức và tài. Để có người tài đức, công tác huấn luyện phải toàn diện cả về nghề nghiệp, chính trị, văn hóa, lý luận,... đồng thời phải “hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ”.
Người còn khuyên, “Nếu có cán bộ không yên tâm làm việc, ta phải xét rõ cái chỗ lãnh đạo không đúng của ta, để thuyết phục và khuyên gắng người đó. Nếu vì công tác không hợp với năng lực của họ, phải tìm công việc thích hợp hơn cho họ làm”. Rất quan tâm, chăm lo cho cán bộ, nhưng Bác cũng nghiêm khắc khi cán bộ làm điều sai trái. Năm 1950, Người đã chỉ đạo xét xử vụ Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” và bác đơn xin tha tội chết.
Khéo chọn người tài đức theo tư tưởng của Bác
Thấm nhuần và làm theo quan điểm của Bác trong công tác cán bộ, nhất là chọn người tài đức phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, ngày nay, chúng ta có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Song cũng cần thấy rằng, yếu kém, tiêu cực trong nhiệm vụ then chốt này vẫn là vấn đề nhức nhối.
Thành công của đại hội đảng bộ các cấp cho thấy mong muốn của Đảng đã thành hiện thực, đó là cơ sở cho Đại hội XIII thật sự là sự kiện chính trị trọng đại, lựa chọn được những người tài đức, vì dân vì nước như Bác Hồ căn dặn và nhân dân kỳ vọng. |
Có những hiện tượng đã được Bác Hồ cảnh báo từ nửa thế kỷ trước, giờ đây vẫn nhiều cán bộ mắc phải, như ham dùng bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; ham dùng những kẻ nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực. Những chuyện bổ nhiệm thần tốc vì được “nâng đỡ không trong sáng”; bổ nhiệm vợ, con, người thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo; cá biệt có trường hợp bố bổ nhiệm con ngay sau đại hội làm cho dư luận bức xúc, buộc phải thay đổi quyết định… không hiếm trong thời gian qua.
Hơn 110 cán bộ diện Trung ương (T.Ư) quản lý bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ Đại hội XII là bài học đau xót khó xóa nhòa. Cá biệt có Ủy viên Bộ Chính trị đang thi hành hai án phạt tù giam 30 năm, nhưng những ngày cuối năm này vẫn còn tiếp tục phải hầu tòa vì liên quan một số vụ án khác. Có cán bộ trẻ với thân nhân tốt, tưởng như triển vọng phát triển tốt, nhưng mới giữ chức bí thư thành ủy hơn một năm đã làm nhiều việc sai trái, T.Ư buộc cho thôi chức Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII và cách chức bí thư.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhận rõ những hạn chế, yếu kém đó, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quy định, quy chế về công tác cán bộ với phương châm tạo môi trường tốt nhất để cán bộ cống hiến tài năng cho đất nước, đồng thời xử lý nghiêm mọi sai phạm, không có bất cứ “vùng cấm”, ngoại lệ nào. Đặc biệt là Quy định 205, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.
Để chỉ đạo tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35, trong đó quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình làm công tác nhân sự với năm bước công khai, chặt chẽ, khách quan, công tâm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ba bài viết về sự kiện chính trị trọng đại này, trong đó nhấn mạnh việc lựa chọn người đủ đức tài tham gia cấp ủy khóa mới. Đó là không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; quan liêu tham nhũng, bảo thủ trì trệ...
Thành công của đại hội đảng bộ các cấp cho thấy mong muốn của Đảng đã thành hiện thực, đó là cơ sở cho Đại hội XIII thật sự là sự kiện chính trị trọng đại, lựa chọn được những người tài đức, vì dân vì nước như Bác Hồ căn dặn và nhân dân kỳ vọng.
Ý kiến bạn đọc (0)