Hoàn lương nhờ tình yêu thương
BẮC GIANG - Từng lầm lỗi trong quá khứ, nay trở về nhà được đón nhận tình yêu thương của cha mẹ, người thân và cộng đồng, rất nhiều người đã hoàn lương, làm ăn chân chính. Họ suy nghĩ: Đi qua ngày tù tội, nay được trở về phải quyết tâm phục thiện, sống cuộc đời có ích.
Người phụ nữ ngoài 50 tuổi lén nhìn tôi như muốn né tránh, không kể chuyện về đứa con của mình. Bà nói: “Cháu nó biết nhận lỗi rồi, chịu khó làm ăn với bố mẹ. Sang năm cháu dự định lấy vợ, tôi cũng không muốn khơi lại quá khứ của cháu làm gì”. Thế nhưng trái ngược với suy nghĩ của mẹ, anh Đ.V.Tr ở phường Song Khê (TP Bắc Giang) lại khá cởi mở.
Cán bộ Trại giam Ngọc Lý (Bộ Công an) làm thủ tục đặc xá cho phạm nhân. |
Từng làm công nhân ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) với mức thu nhập hơn hẳn so với ở nhà làm nông nghiệp, nhưng do tuổi trẻ bồng bột, vào tháng 9/2018, anh nghe theo một nhóm người làm cùng công ty tham gia trộm cắp những tấm pin năng lượng mặt trời (tổng giá trị gần 1,6 tỷ đồng). Vụ việc bị phát giác, cơ quan công an bắt giữ, anh bị TAND tỉnh tuyên phạt 8 năm tù.
Trong suốt thời gian cải tạo ở Trại giam Ngọc Lý (Bộ Công an) đóng tại huyện Tân Yên, anh Tr vô cùng hối hận. Thương cha mẹ vì mình mà vất vả lo lắng nên anh cố gắng cải tạo tốt. Chấp hành án được hơn 5 năm, giáp Tết năm ngoái anh được đặc xá. Trở về với vòng tay yêu thương của cha mẹ, có thêm thời gian suy ngẫm, anh muốn được đi làm. Nhưng bắt đầu bằng cách nào đây? Được bố mẹ quan tâm, không mắng mỏ, công an và cán bộ địa phương đến tận nhà động viên, gợi ý anh vay vốn làm ăn.
Chính mẹ anh là người đứng ra bảo lãnh với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để vay 100 triệu đồng. Có tiền, anh xây mấy phòng cho công nhân thuê trọ, mỗi tháng thu về gần chục triệu đồng; đồng thời nhận công việc bán hàng phụ kiện ô tô, xe máy cho một người thân. Anh Tr tâm sự: “Thật ra, hình phạt tù không đáng sợ bằng thái độ xa lánh của người thân, cộng đồng. Một năm qua khi đi tù trở về, tôi nhận được sự cảm thông, chia sẻ của nhiều người. Nhà nước còn quan tâm cho vay cả trăm triệu đồng để làm ăn. Đó là động lực rất lớn, tạo điều kiện cho tôi làm lại cuộc đời”.
Có con trai lĩnh án một năm tù về tội đánh bạc, ông Nguyễn Hữu V ở tổ dân phố Hùng Lãm 3, phường Hồng Thái (Việt Yên) chia sẻ: "Cháu ở với vợ chồng tôi, lấy vợ có hai con rồi. Khi cháu bị đi tù, vợ chồng tôi động viên nhau phải chấp nhận sự thật". Hối hận vì việc làm trái pháp luật, con trai ông cố gắng cải tạo tốt, sau chưa đầy một năm chấp hành án đã được trở về nhà. Ngay sau đó, lực lượng Công an phường và cán bộ cơ sở đến nhà hỏi thăm, đề xuất với Ngân hàng chính sách xã hội xét duyệt cho gia đình vay 100 triệu đồng.
Triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 346 khách hàng vay với số tiền 33,775 tỷ đồng. Các khách hàng đều sử dụng vốn hiệu quả. |
Ngày 6/12/2023, nhận được tiền vay, hai bố con ông cùng góp thêm để mua một xe ô tô tải. Đều đặn 4 giờ sáng hằng ngày, bố con ông đến huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để mua trứng gà, trứng vịt (mỗi chuyến đi tầm 6-7 vạn quả) đem về phân phối cho bếp ăn trong một số công ty của khu công nghiệp ở thị xã Việt Yên. Ông V chia sẻ rằng: “Nhận khoản vốn vay 100 triệu đồng, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho gia đình tôi, đặc biệt cho con tôi có cơ hội vươn lên, làm lại cuộc đời. Hiện con trai tôi đã chí thú làm ăn, công việc bận rộn hằng ngày nên không có thời gian chơi bời hay giao lưu với bạn xấu”.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thông tin: Triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh đã cho 346 khách hàng vay với số tiền 33,775 tỷ đồng. Các khách hàng vay đều phát huy được hiệu quả của nguồn vốn, tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho chính bản thân người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ nhanh hòa nhập cộng đồng.
Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng người từng đi tù dễ bị xa lánh, kỳ thị. Cơ hội có việc làm cũng khó hơn những người khác. Túng bấn làm liều dễ dẫn đến “ngựa quen đường cũ”. Việc đối xử thiện cảm, dành sự quan tâm, sẻ chia thiết thực sẽ giúp họ quên đi mặc cảm, có cơ hội tìm được việc làm với thu nhập ổn định, sớm hoàn lương, trở thành những người hữu ích cho xã hội.
Ý kiến bạn đọc (0)