Chung tay giúp người lầm lỗi hoàn lương
BẮC GIANG - Giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta. Qua đó giáo dục, giúp đỡ người phạm tội trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, không tái phạm.
Cảm hóa và giúp đỡ
Qua khảo sát, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú. Ra tù, ban đầu ai nấy đều vui mừng vì được trở về với cuộc sống tự do. Tuy nhiên niềm vui đó không được bao lâu khi họ vẫn chưa thoát khỏi tâm lý tự ti, mặc cảm với quá khứ lầm lỗi.
Cùng đó phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, lo lắng cho cuộc sống khi mà không còn việc làm, không có tiền vốn để làm ăn, doanh nghiệp từ chối nhận vào làm việc, sợ bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Nhiều người còn oán hận khi phải chịu cảnh gia đình tan vỡ, người thân không cảm thông, chia sẻ thậm chí ruồng bỏ, dẫn đến tuyệt vọng, buông xuôi, sống kín đáo, ngại tiếp xúc với mọi người và ít tham gia những hoạt động xã hội tại địa phương.
Lực lượng Công an tỉnh phối hợp hỗ trợ tư vấn việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. |
Trước tình hình đó, Công an tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 2229/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”. Qua hơn 2 năm triển khai, Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có người chấp hành xong án phạt tù trở về đều có mô hình quản lý, giáo dục đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau như: “Tổ tự quản hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng”, “Tuyên truyền, quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”, “Câu lạc bộ cùng nhau tiến bộ”, “Liên kết Công an và các tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”, “Đồng hành hướng tương lai”, “Hỗ trợ vững bước trên con đường hoàn lương”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương vì ngày mai tươi sáng”, “Vì một tương lai tươi đẹp cho bạn và người thân”, “Chúng tôi giúp bạn”… nhưng đều hướng tới mục tiêu tốt đẹp là cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hoàn lương, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Theo Đề án, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều được tiếp nhận và thực hiện quy trình quản lý, giáo dục, giúp đỡ; được quan tâm thăm hỏi động viên, được tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ các thủ tục pháp lý và cấp các giấy tờ liên quan đến cá nhân, được quan tâm giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh...
Sau khi được cảm hóa và giúp đỡ, rất nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú đã ổn định cuộc sống, có ý thức vươn lên, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tỷ lệ người tái phạm tội giảm theo từng năm (năm 2022 giảm xuống còn 2,98%, năm 2023 còn 2,17%) góp phần bảo đảm an ninh, trật tự địa phương.
Trao “cần câu”
Khó khăn nhất đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về là không có việc làm, không có tiền để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ, ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 10/10/2023). Đây là chính sách tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù.
Theo đó người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng đối với vay để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/tháng đối với vay sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo.
Với số vốn vay, ông Liền đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. |
Sau khi Quyết định có hiệu lực, Công an tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai. Được biết, đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh đã có 196 người chấp hành xong án phạt tù được vay với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.
Vừa qua, chúng tôi cùng cán bộ Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Yên Dũng đến gặp ông Phạm Văn Liền (SN 1955), nguyên Trưởng thôn Ngọc Sơn, xã Quỳnh Sơn.
Ông Liền bị tuyên án 6 năm tù về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Được 3 lần xét giảm án, sau hơn 4 năm tù, ông được trở về địa phương vào tháng 9/2023. Trên cánh đồng, ông Liền miệt mài lái chiếc máy cày mới mua để làm đất chuẩn bị cho vụ cấy.
Ông kể: “Cởi bỏ tấm áo tù, tôi trở về nhà, 3 đứa con lấy vợ, gả chồng đều ở riêng, chỉ còn hai vợ chồng tôi gần 70 tuổi và người mẹ già đã 100 tuổi. Với hoàn cảnh này, tôi đủ điều kiện là hộ nghèo, chính quyền địa phương cũng quan tâm giúp đỡ để gia đình tôi có thêm sự hỗ trợ, nhưng tôi từ chối với lý do là nhường cơ hội cho người nghèo khác”.
Được vay 100 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù, trên diện tích trang trại rộng hơn 10 ha trước kia đang làm dở dang, ông tiếp tục nuôi cá, mua máy cày để thuận tiện cho khâu làm đất; mua máy nghiền thức ăn cho bò, cá, gà, vịt, ngỗng, lợn; mua máy ấp trứng mini để chủ động nguồn gà giống.
Tương tự, năm 2021, anh Nguyễn Đình Sơn (SN 1978) ở thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) bị kết án 2 năm tù về tội đánh bạc. Được đặc xá trở về, anh cho biết mối quan tâm lớn nhất là việc làm. Đầu năm 2023, anh mở một quán ăn ở gần nhà.
“Được chính quyền, công an quan tâm, tôi cảm nhận được sự cảm thông, chia sẻ nên không rơi vào trạng thái buồn chán. Biết tôi có nguyện vọng mở rộng quy mô quán ăn nhưng chưa đủ tiền, cán bộ Công an xã hướng dẫn tôi làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có việc làm, thu nhập ổn định đã giúp tôi thoát khỏi sự mặc cảm của bản thân, nỗ lực phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội”, anh Sơn chia sẻ.
Bài, ảnh: Thu Phong - Dương Tuấn
Ý kiến bạn đọc (0)