Hỗ trợ tỉnh Xay Sổm Bun phát triển nông nghiệp: Trách nhiệm cao, tình cảm đẹp
Gần 20 thành viên đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun đến Bắc Giang đúng vào những ngày mưa gió. Thế nhưng thời tiết bất lợi cũng không ngăn được tinh thần cầu thị, ham học hỏi của những cán bộ nông nghiệp và đại diện hộ nông dân tiêu biểu của tỉnh bạn.
Đến thăm Khu du lịch bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế), những đồi chè bạt ngàn, từng búp chè gặp mưa xanh tươi mơn mởn, lại được tham gia trải nghiệm hái chè khiến ai cũng vui, thích thú. Trong ngôi nhà sàn được phục dựng tại điểm du lịch cộng đồng bản Ven, Đoàn công tác ngồi nghỉ ngơi, thưởng thức chén trà ấm nóng, nhâm nhi thanh kẹo lạc giòn tan, chén trà xanh đậm vị do chính người dân nơi đây sản xuất, tiếng nói cười, trao đổi làm rộn rã cả căn nhà.
Cán bộ, nông dân tỉnh Xay Sổm Bun lắng nghe lãnh đạo huyện Lục Ngạn chia sẻ kinh nghiệm trồng vải thiều. |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế “khoe”: “Chè ngon bản Ven phần lớn nhờ thổ nhưỡng, nhưng cách trồng và chăm sóc, chế biến cũng góp phần quan trọng làm nên vị ngon của thức uống này”. Từng thành viên chăm chú lắng nghe, ghi chép rồi đặt câu hỏi thông qua người phiên dịch: “Tại sao cây chè ở đây cắt ngọn chỉ cao ngang thân người, trong khi bên Lào cây cao lút đầu người”; “Bí quyết để búp chè mềm mại, xoăn chặt?”...
Chia sẻ về quá trình canh tác chè bản Ven, đại diện Hợp tác xã (HTX) Thân Trường cho biết: Để sản phẩm chè chất lượng, nguyên liệu phải được hái đúng tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non, sau đó làm héo sơ bộ bằng cách rải lên nong để ở nơi thoáng mát. Sử dụng máy sao liên tục, sau đó qua máy vò, rồi lại đưa vào máy sao thêm lần nữa. Khi chè nguội, rải xuống nền đất đã được làm sạch chừng 1 giờ để lấy hương “âm”, đóng bảo quản trong thùng xốp một tuần mới đưa ra đóng gói sản phẩm. Hay như cây chè được chăm chút, cắt tỉa chỉ ngang thân người để vừa dễ chăm sóc, thu hái lại là cảm hứng để HTX mở rộng sang làm du lịch cộng đồng.
"Tôi rất ấn tượng và bất ngờ khi tham quan một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản tiêu biểu. Có đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay mới thấy rõ hiệu quả sản xuất của các bạn thật tuyệt vời. Đây thực sự là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý báu” - Đồng chí Bun-thon Păn-kẹo, Phó Giám đốc Sở Nông - lâm tỉnh Xay Sổm Bun. |
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTTN cho biết: Theo Thoả thuận hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang và tỉnh Xay Sổm Bun được ký kết (tháng 8/2021), ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh nghiên cứu phương án hỗ trợ tỉnh bạn xây dựng các mô hình nông nghiệp. Trong đó, triển khai cải tạo đàn bò thịt; nhân giống cải tạo đàn dê. Đại diện lãnh đạo Sở đã cùng đơn vị liên quan tổ chức chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Xay Sổm Bun. Từ đó đưa ra những đánh giá về điều kiện thời tiết, khí hậu, nhiệt độ, đất đai phù hợp với phát triển cây trồng, vật nuôi nào thì sẽ tổ chức đi tham quan học hỏi những mô hình đó tại Bắc Giang. Qua khảo sát cho thấy thời tiết rất phù hợp cho phát triển cây chè. Diện tích đất lâm nghiệp lớn thích hợp trồng cây lâm nghiệp như bạch đàn, keo. Chăn nuôi dê, cừu, trồng cây có múi, đặc biệt nuôi gà dưới tán rừng... cũng phù hợp với điều kiện của tỉnh Xay Sổm Bun.
Trong thời gian 5 ngày, Đoàn công tác tham quan nhiều mô hình tiêu biểu của nông dân Bắc Giang. Đó là trang trại nuôi dê vỗ béo, nuôi gà dưới tán rừng ở xã Xuân Lương (Yên Thế); chăn nuôi vỗ béo bò thịt giống BBB ở xã Cảnh Thuỵ, nuôi cá trắm đen thâm canh trong ao ở xã Đức Giang (Yên Dũng); trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây vải thiều; cây có múi tại huyện Lục Ngạn. Ở mỗi mô hình, Đoàn công tác đều được chủ cơ sở, chủ hộ chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm.
Đồng chí Bun-thon Păn-kẹo, Phó Giám đốc Sở Nông - lâm tỉnh Xay Sổm Bun, Trưởng Đoàn công tác cho biết: Xay Sổm Bun là tỉnh miền núi, diện tích rộng, đất đai màu mỡ, độ che phủ rừng chiếm hơn 80%. Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh phù hợp nhất cho trồng trọt và chăn nuôi. Mặc dù điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng nông dân Xay Sổm Bun hiện còn thiếu vốn; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hạn chế. Nông dân sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, đa số phụ thuộc vào tự nhiên, rất yếu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiệu quả sản xuất thấp. Tỉnh chưa có sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Đoàn công tác thăm mô hình nuôi vỗ béo bò ở xã Cảnh Thuỵ (Yên Dũng). |
"Tôi rất ấn tượng và bất ngờ khi tham quan một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản tiêu biểu. Có đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay mới thấy rõ được hiệu quả sản xuất của các bạn thật tuyệt vời. Đây thực sự là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý báu”- đồng chí Bun-thon Păn-kẹo chia sẻ. Đồng chí cũng dẫn chứng mô hình nuôi vỗ béo bò ở tỉnh Xay Sổm Bun, một hộ nuôi 150 con bò trên diện tích 40 ha được cho là lớn, vậy mà ở Bắc Giang, một hộ nuôi 100 con trên diện tích chỉ 4 ha mà hiệu quả còn cao hơn. Hay như mô hình nuôi cá, khi thu hoạch phải từ 3-4 con mới đạt trọng lượng 1 kg; trong khi đó đi thăm mô hình ở huyện Yên Dũng, 1 con đã nặng tới 3-4 kg. Cam, bưởi, nhãn, vải thiều ở đây có vị ngon, ngọt, thơm là vậy, nhưng những cây trồng này ở Lào lại chua, năng suất thấp.
Qua buổi tọa đàm về "Giải pháp phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản", được các chuyên gia nông nghiệp, các hộ nông dân Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, kỹ thuật, Đoàn công tác đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích. Đơn cử là một số cây ăn quả như cam, bưởi, nhãn… trồng ở Xay Sổm Bun có sức đề kháng rất tốt nhưng hiện hiệu quả chưa cao, cây còi cọc, quả chua, các bạn cho biết không nên chặt bỏ để trồng mới, sẽ lãng phí lại phải mất vài năm mới cho thu hoạch. Chỉ cần làm biện pháp kỹ thuật là ghép cành, sau 1 năm sẽ cho quả. Hay như nuôi vỗ béo bò thịt, bên cạnh chế độ thức ăn, dinh dưỡng còn phải quan tâm đến việc tẩy ký sinh trùng cho bò. Nuôi cá thâm canh cũng vậy, phải điều chỉnh không nuôi quá dày trong ao, số lượng vừa phải, chú trọng chất lượng".
Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng với trách nhiệm và tình cảm, tỉnh Bắc Giang đã dành cho đoàn cán bộ và nông dân tỉnh bạn những điều kiện tốt nhất. Mục tiêu là làm sao sau chuyến đi thực tế này, bạn có thêm kiến thức, kinh nghiệm vận dụng vào thực tế sản xuất ở Xay Sổm Bun đạt hiệu quả như mong đợi.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)