Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Tết ở Bắc Giang
Hơn 70% hàng hóa là hàng Việt
Khảo sát tại một số chợ, cửa hàng trên địa bàn huyện Sơn Động, dịp này hàng hóa bày bán phục vụ Tết nhiều hơn so với những ngày thường và chủ yếu là hàng nội địa. Chị Nguyễn Thị Thảo, tiểu thương bán hàng tạp hóa tại chợ An Châu (Sơn Động) cho biết: “Năm nay, khoảng 80% hàng Tết của cửa hàng là hàng Việt. Sản phẩm chủ yếu là: Nước mắm, mỳ chính, bột canh, bánh kẹo... Riêng măng, miến là sản phẩm của địa phương”.
Không riêng chị Thảo, các tiểu thương khác kinh doanh tại chợ An Châu cũng chọn hàng Việt bán Tết. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên xu hướng mua sắm thay đổi. Hơn nữa, hàng Việt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp nên được nhiều người sử dụng.
Khách hàng chọn mua hàng Việt tại siêu thị GO Bắc Giang. |
Tương tự, tại nhiều cửa hàng tiện ích và chợ thuộc khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Lạng Giang, Việt Yên cũng có từ 70-90% hàng hóa kinh doanh tại đây là hàng Việt. Theo chủ cửa hàng tiện ích Hằng Luyện, thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến (Việt Yên), năm nay, dự kiến nhiều công nhân ngoài tỉnh ở lại ăn Tết nên chị nhập lượng hàng tăng 15% so với năm ngoái. Các sản phẩm chính là: Mứt, bánh kẹo, măng, miến, đỗ, gạo nếp...
Không chỉ đơn vị bán lẻ, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh cũng lựa chọn cung ứng hàng trong nước. Công ty TNHH Chiến Nga (TP Bắc Giang) chuẩn bị 72 tỷ đồng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, trong đó hầu hết là hàng Việt. Ngay từ đầu tháng 11/2021, Công ty đã bố trí xe chở hàng đi phân phối tới hơn 3 nghìn đại lý, cửa hàng phục vụ người dân trong tỉnh. Để không bị đứt gãy chuỗi cung cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị chủ động kết nối đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và các khu, cụm công nghiệp; cam kết hàng hóa chất lượng, giá cả bình ổn; đồng thời áp dụng chính sách khuyến mại cho tất cả đại lý.
Hưởng lợi từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sản xuất các mặt hàng như: Mỳ Chũ, miến dong Sơn Động, thịt lợn sạch, gà đồi Yên Thế, chè xanh bản Ven, bánh đa nem Thổ Hà, rượu làng Vân, bún khô Đa Mai... có doanh thu tăng cao dịp Tết Nguyên đán.
Điển hình như tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (TP Bắc Giang), do khẳng định được chất lượng sản phẩm nên đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ ngày một tăng. Hiện nay, mỗi ngày HTX đang tập trung sản xuất bảo đảm cung cấp cho thị trường từ 10-12 tấn thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn, tăng 5-7 tấn/ngày so với ngày thường, phục vụ người dân ăn Tết.
Thay đổi tư duy tiêu dùng
Năm nay, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội địa, tăng trưởng kinh tế, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" các cấp đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng Cuộc vận động trong tình hình mới; mua sắm hàng Việt Nam dịp Tết Nhâm Dần năm 2022.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Tiến (TP Bắc Giang) chuyển hàng Tết đến các đại lý. |
Từ đó, nhiều chương trình, hoạt động quảng bá được tổ chức ở các huyện, TP như: Điểm bán hàng nông sản an toàn, điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Ví như, đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động, huyện Việt Yên rà soát số lượng công nhân ở lại ăn Tết, dự trù đủ hàng hóa phục vụ, bố trí các điểm bán hàng lưu động quanh khu, cụm công nghiệp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh dịp Tết.
Ngoài ra, địa phương còn khuyến khích phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đến nay, huyện hình thành điểm bán hàng sản phẩm OCOP tại thị trấn Bích Động. Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, là huyện có lượng lao động lớn nhất tỉnh nên không chỉ dịp Tết, thời gian qua Việt Yên luôn tích cực tuyên truyền nhân rộng cửa hàng, điểm bán hàng Việt tại các địa phương, khu, cụm công nghiệp. Qua đây dần thay đổi tư duy tiêu dùng của người dân, tiếp tục đưa cuộc vận động này đi vào chiều sâu.
Thời gian tới, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự bền lâu, sâu rộng cần đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Các địa phương chủ động kết nối đưa sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng của doanh nghiệp, hợp tác xã vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại". Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó trưởng BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh. |
Theo ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó trưởng BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, để Cuộc vận động thật sự bền lâu, sâu rộng, giúp tất cả người dân được tiếp cận và dùng hàng Việt chất lượng cao, giá cả hợp lý, thời gian tới cần đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người tiêu dùng.
Các địa phương chủ động kết nối đưa sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng của doanh nghiệp, hợp tác xã vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại. Qua đó để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, đánh giá đúng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp trong nước. Đồng thời hướng dẫn người sản xuất làm tốt việc bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử để tăng doanh thu, lợi nhuận. Các huyện, TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ hàng sản xuất trong nước gắn với cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bài, ảnh : Minh Hương
Ý kiến bạn đọc (0)