Hàn Quốc: Hàng nghìn người ủng hộ ông Yoon Suk-yeol xuống đường biểu tình
Hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Seoul để ủng hộ cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol, người vừa bị phế truất vì ban bố thiết quân luật.
Những người ủng hộ cựu tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 5/4 tràn xuống các con đường ở thủ đô Seoul bất chấp trời mưa, hô khẩu hiệu "luận tội là không hợp lệ" và yêu cầu hủy cuộc bầu cử sớm.
![]() |
Người ủng hộ cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol biểu tình ở thủ đô Seoul ngày 5/4. |
"Quyết định của Tòa án Hiến pháp đã phá hủy nền dân chủ tự do của đất nước chúng tôi. Là một người trẻ, tôi vô cùng lo lắng về tương lai", Yang Joo-young, người biểu tình 26 tuổi, nói.
Một số người ủng hộ ông Yoon lo ngại viễn cảnh lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung, người được giới chuyên gia coi là ứng viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tiếp theo, sẽ đắc cử tân tổng thống Hàn Quốc.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 4/4 ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol. Các thẩm phán kết luận việc ông Yoon ban bố thiết quân luật hồi tháng 12/2024 đã "vi phạm các nguyên tắc cốt lõi của thượng tôn pháp luật và nền quản trị dân chủ, do đó làm suy yếu trật tự hiến pháp và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của nền cộng hòa dân chủ".
Nhiều người Hàn Quốc phản đối ông Yoon đã ăn mừng sau phán quyết của tòa án.
"Nhiệm kỳ tổng thống của ông Yoon đã phơi bày những rạn nứt trong xã hội, được thể hiện qua những chia rẽ về chính trị và thông tin sai lệch", Minseon Ku, chuyên gia tại Viện nghiên cứu toàn cầu William & Mary, nhận xét.
Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống để chọn người kế nhiệm ông Yoon trong vòng 60 ngày, nhiều khả năng vào ngày 3/6. Trong khoảng thời gian hiện tại, Thủ tướng Han Duck-soo giữ vị trí quyền Tổng thống.
Ông Yoon, 64 tuổi, là tổng thống thứ hai của Hàn Quốc bị tòa án phế truất, sau bà Park Geun-hye hồi năm 2017. Ông đã gửi thư xin lỗi người dân Hàn Quốc vì "không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người", bày tỏ lòng biết ơn với những người đã "ủng hộ và tin tưởng".
Truyền thông Hàn Quốc nhận xét ông Yoon không trực tiếp đề cập tới quyết định phế truất, nhưng bức thư thể hiện ông chấp nhận kết quả này, thay vì thách thức.
Ý kiến bạn đọc (0)