Giữ sạch không gian mạng - Những cách làm sáng tạo của Bắc Giang: Bài 1- Gió lành và cỏ dại
Một góc Khu Công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. |
Bài 1: Gió lành và cỏ dại
Xuất phát từ một tỉnh nông nghiệp kinh tế chậm phát triển, những những năm gần đây, Bắc Giang trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tuy vậy, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bên cạnh những cơn gió lành cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về xã hội như ô nhiễm môi trường, tranh chấp, khiếu kiện liên quan giải phóng mặt bằng, lao động việc làm, y tế, giáo dục, nhất là ở khu vực nhiều khu, cụm công nghiệp… Các đối tượng xấu đã tranh thủ lợi dụng những vấn đề trên để phát tán thông tin sai trái, thù địch.
Những cơn gió lành
Thời điểm tái lập năm 1997, Bắc Giang là tỉnh thuần nông, điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2000 - 2005 đề ra chủ trương, quyết sách chuyển trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh từ nông nghiệp sang công nghiệp. Sau nhiều nhiệm kỳ kiên trì theo đuổi mục tiêu, năm 2020 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 13,02%, đứng đầu cả nước; quy mô GRDP đạt hơn 123,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2000.
Có được thành quả đó là do tỉnh đã phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế, đồng thời thường xuyên tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Từ khởi đầu bằng Khu công nghiệp Đình Trám (khởi công năm 2003), đến nay tỉnh có 6 khu công nghiệp cùng hàng chục cụm công nghiệp hình thành, đón nhà đầu tư. Với phương châm “giao thông đi trước một bước”, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh huy động khoảng 18 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực bố trí gần 40 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với nhiệm kỳ trước) để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này.
Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. |
Nhiều tuyến đường cũ, nhỏ hẹp, xuống cấp được cải tạo, mở rộng. Nhiều công trình giao thông kết nối đối nội, đối ngoại quan trọng được đầu tư, xây dựng mở ra không gian, động lực phát triển mới như: Tuyến đường vành đai và cầu Bắc Phú - Xuân Cẩm nối sang huyện Sóc Sơn (Hà Nội), kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; tuyến ĐT293 hướng tới kết nối với tỉnh Quảng Ninh, công trình đường và cầu Đồng Việt kết nối với tỉnh Hải Dương và quốc lộ 18; cầu Hà Bắc 2 kết nối với tỉnh Bắc Ninh và đường vành đai IV Thủ đô Hà Nội; cầu Hòa Sơn kết nối với TP Phổ Yên (Thái Nguyên)... tạo động lực thu hút các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Cùng với giao thông, hàng loạt khu dân cư, khu đô thị ở thành phố Bắc Giang và các huyện trong tỉnh được quy hoạch, đầu tư hạ tầng, có thể kể đến: Khu đô thị phía Nam (TP Bắc Giang), thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), Bích Động (Việt Yên), Nham Biền (Yên Dũng), thị trấn Vôi (Lạng Giang)… bên cạnh tạo chỗ ở cho hàng vạn hộ dân đã tạo diện mạo mới cho không gian phát triển đô thị ở các địa phương. Nhiều công trình thủy lợi, hồ đập phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lụt bão và phục vụ đời sống dân sinh được cải tạo, xây mới. Hàng loạt công trình bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cùng trường học các cấp được xây dựng khang trang. Có thể thấy những năm gần đây, với hàng trăm công trình, dự án lớn được khởi động, hoàn thiện, cả tỉnh như một công trường lớn hướng tới mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân.
Được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, liên tục những năm gần đây, Bắc Giang giành được nhiều thành quả về kinh tế - xã hội, là điểm sáng của cả nước về phát triển công nghiệp. Tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng từ 7% (năm 2000) lên hơn 47%. Liên tục những năm gần đây, Bắc Giang luôn ở trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, trở thành mắt xích quan trọng, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất sản phẩm cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Toyota, Honda... Công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Cỏ dại phát tán
Thực tế cho thấy, không có con đường nào rải sẵn hoa hồng. Trong quá trình trăn trở tìm chọn hướng đột phá phát triển kinh tế, bên cạnh thuận lợi là chủ yếu, cũng có không ít khó khăn, trở ngại. Với riêng lĩnh vực đất đai, điều dễ thấy là, để triển khai các công trình, dự án cho phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi tỉnh phải thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng hàng nghìn ha đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Cũng vì lo cho cuộc sống gia đình, vấn đề việc làm, thu nhập khi không còn đất sản xuất nông nghiệp, ở không ít công trình, dự án, một bộ phận người dân ngần ngại, chưa đồng thuận với chủ trương thu hồi đất, đã vậy lại bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động dẫn đến đơn thư khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Đó còn chưa kể quản lý nhà nước về đất đai ở nhiều địa phương cơ sở bị buông lỏng; tình trạng bán đất trái thẩm quyền, bán đất lấy kinh phí theo hình thức “đổi đất lấy công trình” để làm đường giao thông nông thôn, điện, nhà văn hóa diễn ra phổ biến ở nhiều nơi từ hàng chục năm trước chưa được giải quyết dứt điểm nên khi nhà nước thu hồi đất, hoặc dồn điền đổi thửa… dẫn đến tranh chấp, bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân.
Dây chuyền sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty Glovenland vina (Việt Yên). |
Cũng từ “phát triển nóng” công nghiệp, Bắc Giang thu hút hàng chục vạn lao động từ hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đến làm việc, sinh sống đặt ra các vấn đề về an sinh xã hội; cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội không theo kịp tình hình. Cũng vì lao động đến từ nhiều nơi, một bộ phận trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật hạn chế nảy sinh những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự như trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, tội phạm liên quan đến ma túy... Những vấn đề trên vì nhiều nguyên nhân chưa được giải quyết thỏa đáng, kịp thời đã tạo cớ để các đối tượng xấu, phần tử cơ hội, bất mãn vì động cơ chính trị và đòi hỏi cá nhân không được đáp ứng lợi dụng kích động, phát tán các quan điểm sai trái, thông tin giả, sai sự thật.
Thủ đoạn của các đối tượng là triệt để lợi dụng không gian mạng (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram…) để đăng tải, chia sẻ thông tin, bài viết sai sự thật hoặc thông tin có một phần đúng nhưng sai lệch về bản chất lên các trang mạng xã hội để đánh lừa người đọc, làm người đọc lầm tưởng là thông tin chính thống rồi đăng nhập, chia sẻ trạng thái, bình luận gây hiệu ứng tiêu cực trong đời sống xã hội. Khi đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của nhiều người đọc, các đối tượng xấu sẽ cài cắm những thông tin giả mạo, xấu độc, sai sự thật về một số đồng chí lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương làm người đọc không phân biệt được đâu là thật - giả, đúng - sai, đâu là bản chất của vấn đề dẫn đến nhiễu loạn thông tin.
Không ít đối tượng còn khai thác tính lan tỏa, tương tác, chia sẻ, ẩn danh trên không gian mạng để tán phát thông tin giả mạo, quy kết bôi nhọ tổ chức đảng, chính quyền, nhất là liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng triển khai các công trình, dự án, sau đó đưa ra nhận xét, phân tích, bình luận hướng lái theo chiều hướng tiêu cực.
Ông Tạ Miên Linh (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về "tư vấn pháp lý" cho người dân tại tỉnh Bắc Giang. |
Với chiêu trò như trên, ông Tạ Miên Linh trú tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mạo danh là “luật sư” đã đưa ra nhiều thông tin không đúng về việc thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng của UBND huyện Lạng Giang và huyện Yên Dũng. Với riêng Lạng Giang, ông Linh tùy tiện cho rằng, UBND huyện đã làm trái luật khi thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng mà không hề đưa ra bằng chứng cụ thể. Không những thế, vị “luật sư” rởm còn quy kết lãnh đạo UBND huyện đã cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư dự án cưỡng chế, thu hồi đất của dân và cho rằng đây là biểu hiện “lợi ích nhóm”.
Trong một clip phát trực tiếp trên mạng xã hội ngày 5/4/2022, ông này lớn tiếng xuyên tạc “Bắc Giang thực thi pháp luật theo luật riêng, không phải là của Nhà nước ban hành”(!?). Với những hành vi vi phạm nêu trên, vị “luật sư” này đã bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hay như mới đây, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Lạng Giang phát hiện tài khoản Facebook có tên “Van Tran Lap” đăng tải các bài viết với nội dung sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của một số cơ quan trên địa bàn tỉnh. Qua xác minh, lực lượng công an làm rõ chủ tài khoản Facebook trên là ông Trần Văn Lập, trú tại thôn Trong, xã Tiên Lục (Lạng Giang). Căn cứ hành vi vi phạm và quy định của pháp luật, Công an huyện Lạng Giang đã ra quyết định xử phạt ông Lập 10 triệu đồng, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ những nội dung vi phạm trên.
Những thông tin xấu độc, sai sự thật trên nếu không được kịp thời phát hiện, bóc gỡ, đồng thời xử lý nghiêm đối tượng liên quan sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của “mặt trận không tiếng súng” này, quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và Kết luận số 53-KL/TW ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội, Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo 35 tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ sạch không gian mạng với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc (0)