Giọt máu Bắc Giang - tình dân tộc, nghĩa đồng bào - Bài 3: Những bài học hay, kinh nghiệm quý
BẮC GIANG - Những kết quả đáng tự hào trong phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở tỉnh Bắc Giang thời gian qua là sự quan tâm, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã phát huy cao độ. Từ đây, nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý được đúc rút và tiếp tục nhân lên.
Vận dụng linh hoạt vào từng hoàn cảnh
Thời điểm giữa năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất của cả nước. Hầu hết huyện, TP bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội. Các nhà máy, xí nghiệp phải dừng hoạt động. Hàng trăm đoàn tình nguyện ở khắp mọi miền đất nước về hỗ trợ Bắc Giang dập dịch. Nhân dân khắp các tỉnh, TP, kiều bào ở nước ngoài gửi hàng trăm tấn lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, vật tư y tế hỗ trợ Bắc Giang.
Tình nguyện viên Bắc Giang tham gia HMTN. |
Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện trên cả nước, hàng trăm, hàng nghìn người bệnh đang rất cần được truyền máu để giành lại sự sống. Những tiếng than đau thắt lòng từ những bệnh nhân bị ung thư máu, tan máu bẩm sinh, tai nạn giao thông... khiến nhiều người dân Bắc Giang không thể cầm lòng. Trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng ấy”, Bắc Giang vừa kiên cường chống dịch, vừa tổ chức những đợt HMTN. Trong khi nhiều người sợ hãi, không dám ra đường, tìm những nơi an toàn nhất để nương thân thì tại các điểm tổ chức HMTN, vẫn có hàng trăm người xếp hàng, bảo đảm khoảng cách, đeo khẩu trang, nối tiếp nhau để hiến máu dù phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm.
Bỏ qua cảm giác sợ hãi, hàng nghìn người dân ở các địa phương trong tỉnh Bắc Giang tích cực tham gia hiến máu. |
Do tuân thủ đúng quy trình về phòng dịch, việc hiến máu diễn ra an toàn. Hàng nghìn bịch máu được bảo quản, vận chuyển bằng máy bay tới khắp các tỉnh, TP trong cả nước để cứu chữa người bệnh. Sau khi dịch Covid-19 ở Bắc Giang được kiểm soát, tâm dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương… hoạt động HMTN của tỉnh tiếp tục duy trì, kịp thời hỗ trợ nhiều địa phương trong cả nước. Những giọt máu mang nặng tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Mặc dù là tâm dịch song năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang tổ chức được 21 ngày hội HMTN với gần 14 nghìn người tham gia, tiếp nhận gần 17 nghìn đơn vị máu, đạt 119% kế hoạch năm; trong đó thị xã Việt Yên đạt 363%; các địa phương, đơn vị khác đạt từ 155 đến 250% kế hoạch năm. Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) HMTN thị xã Việt Yên nhớ lại: “Dù là tâm dịch của tỉnh và của cả nước thời điểm đó song cũng như nhiều huyện, TP, cơ quan, đơn vị, Việt Yên vẫn đẩy mạnh tuyên truyền người dân đi hiến máu qua hệ thống truyền thanh, mạng xã hội zalo, facebook, đồng thời bảo đảm phương án an toàn dịch bệnh. Đây là kinh nghiệm rất quý, chúng tôi thấy tâm đắc”.
Chuyện HMTN ở tỉnh Bắc Giang như cuốn tiểu thuyết hay chưa có hồi kết. Không chỉ những nhân vật như chị Thủy, anh Sơn, anh Trí, anh Thùy, anh Đạt, chị Huyền, dòng họ Dương… tiêu biểu trong bài viết, mà sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, điển hình mới, tình tiết mới, cảm xúc mới. Cuốn tiểu thuyết đó được viết nên bởi trái tim nhân ái, tấm lòng bao dung, tâm hồn cao thượng và nét văn hóa của con người Bắc Giang. |
Phong trào HMTN ở Bắc Giang ngày càng nở rộ, lan tỏa sâu rộng khắp các vùng miền nhờ cách làm sáng tạo, hiệu quả từ các địa phương, đơn vị. Tìm hiểu tại Lục Ngạn - huyện miền núi diện tích lớn nhất tỉnh, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí ở nhiều nơi còn thấp; địa hình chia cắt bởi đồi núi, đi lại khó khăn song BCĐ HMTN huyện vận dụng nhiều phương pháp linh hoạt. Trong đó, triển khai sâu rộng đến các xã, thị trấn, các cơ quan, hội chữ thập đỏ (CTĐ) cơ sở và các chi hội CTĐ trực thuộc.
Phân công các đồng chí thành viên phụ trách đơn vị cơ sở, thường xuyên đôn đốc, tổng hợp kết quả, báo cáo số lượng người đăng ký tham gia hiến để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Phát huy vai trò nòng cốt của cấp ủy, ban lãnh đạo thôn, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi khi tiếng loa thôn, bản biểu dương người HMTN vang lên hay những tờ giấy chứng nhận, giấy khen được trao cho những cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu, trong lòng mỗi người cảm thấy phấn khởi.
Lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh Bắc Giang và Hội CTĐ huyện Lục Ngạn biểu dương tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào HMTN của huyện. |
Ông Vy Văn Tuấn, Chủ tịch Hội CTĐ, Phó trưởng BCĐ HMTN huyện cho biết: “BCĐ huyện đã thành lập 5 đội tuyên truyền vận động HMTN gồm 100 tình nguyện viên tại các trường THPT để hướng dẫn quy trình, chăm sóc tình nguyện viên trong ngày hội hiến máu. Nếu như trước kia, số người đi hiến ở các xã, thị trấn chỉ đếm trên đầu ngón tay thì năm 2023, toàn huyện tiếp nhận 3.203 đơn vị máu bảo đảm chất lượng bổ sung vào ngân hàng máu quốc gia, đạt 213,5% kế hoạch được giao”. Hình ảnh những cán bộ, người dân các xã vùng đặc biệt khó khăn vượt hàng chục cây số đường đồi núi, đèo dốc đến trung tâm huyện để hiến máu cho thấy tình thương, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng đáng trân trọng biết nhường nào.
Cẩm nang trong lãnh đạo, chỉ đạo
Từ phong trào HMTN ở tỉnh Bắc Giang có thể rút ra nhiều kinh nghiệm đáng quý, bài học hay. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu, mang tính quyết định. Nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, hấp dẫn, có tính thuyết phục cao, dễ vận dụng, phù hợp với thành phần, lứa tuổi, điều kiện mỗi vùng, miền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài báo chí, phương tiện truyền thông cần tận dụng mạng xã hội để tạo sức lan tỏa nhanh chóng hơn.
Anh Chu Bá Thùy (đồng bào công giáo) ở thôn Giữa, xã Tiên Lục đã hơn 20 lần hiến máu. Ngoài ra, anh còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong vùng tham gia. |
Các chương trình, kế hoạch được xây dựng khoa học, bài bản, có tính khả thi, tạo được sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, người đứng đầu cần nêu gương, không chỉ nói mà còn thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể để làm gương cho người khác làm theo. Ở vùng sâu, vùng xa, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, các dòng họ đặc biệt quan trọng, được phát huy cao độ. Đó là những nhịp cầu, mắt xích để truyền tải, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với người dân.
Niềm vui của những người hiến máu ở tỉnh Bắc Giang khi những giọt máu của mình được trao cho người bệnh. |
Thực tế, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đôi khi triển khai bằng văn bản mang tính mệnh lệnh hay tại hội nghị chưa chắc đã hiệu quả bằng việc cử cán bộ hay người uy tín trong cộng đồng đến nhà người dân trò chuyện, tuyên truyền miệng. Muốn làm được điều đó, cán bộ phải am hiểu văn hóa, phong tục tập quán vùng miền, luôn gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Cùng đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, dòng họ, gia đình, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong phong trào HMTN; đồng thời nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả để tạo sức lan tỏa. Khi mọi người đã quyết tâm, đồng thuận, chung sức thực hiện thì mọi việc sẽ thành công.
5 năm trở lại đây, mỗi năm tỉnh Bắc Giang tiếp nhận từ 22 đến 26 nghìn đơn vị máu. Số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. |
Thời điểm nhóm phóng viên Báo Bắc Giang thực hiện bài viết này, trên các trang mạng xã hội của hội CTĐ các cấp từ tỉnh đến xã, các CLB hiến máu tình nguyện, các đơn vị, tổ chức và những tình nguyện viên, những bệnh nhân từng được nhận máu đồng loạt thay ảnh đại diện, sưu tầm những câu nói hay bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân; một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong đó, nhiều người chia sẻ câu nói rất sâu sắc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Điều đó phần nào thể hiện tư duy, khát vọng tiếp tục được cống hiến, làm việc thiện, có ích cho đời, cũng như sự tri ân của những người hiến máu và nhận máu.
Câu lạc bộ hiến tiểu cầu tỉnh Bắc Giang kỷ niệm ngày thành lập. |
Chuyện HMTN ở tỉnh Bắc Giang như cuốn tiểu thuyết hay chưa có hồi kết. Không chỉ những nhân vật như chị Thủy, anh Sơn, anh Trí, anh Thùy, anh Đạt, chị Huyền, dòng họ Dương… tiêu biểu trong bài viết, mà sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, điển hình mới, tình tiết mới, cảm xúc mới. Cuốn tiểu thuyết đó được viết nên bởi trái tim nhân ái, tấm lòng bao dung, tâm hồn cao thượng, tinh thần "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam và nét văn hóa của con người Bắc Giang. Xin mượn lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - giảng viên, nhà thơ, nhà hoạt động vì hòa bình được khắp thế giới kính nể để thay cho lời kết bài viết này: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu thì bạn chẳng thể yêu thương”.
Minh Ngọc - Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)