Giọt máu Bắc Giang - tình dân tộc, nghĩa đồng bào - Bài 1: “Xin đừng để người bệnh chờ máu”
BẮC GIANG - Không phân biệt thành phần dân tộc, lứa tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, tôn giáo, hiến máu tình nguyện (HMTN) ở tỉnh Bắc Giang đã trở thành phong trào, phát triển sâu rộng, len lỏi đến từng cơ quan, đơn vị, thôn, bản, tổ dân phố, dòng họ, gia đình, cá nhân. Với thông điệp “Máu có thể chờ người bệnh - xin đừng để người bệnh chờ máu”, đã có nhiều câu chuyện cảm động từ việc sẻ chia giọt máu hồng.
Cổ tích giữa đời thường
Cho đến bây giờ, lãnh đạo, cán bộ, các y, bác sĩ của Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang không thể nào quên hành động cứu người trong cơn nguy kịch. Đêm 8/3/2022, Bệnh viện cấp cứu một bệnh nhân ở huyện Lục Nam chẩn đoán vỡ tử cung, phải cấp cứu, mất máu quá nhiều, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh. Do bệnh nhân có nhóm máu O, cần lượng lớn trong khi lượng máu dự trữ lại khan hiếm, ngay lập tức, Bệnh viện đã vận động hàng chục cán bộ quản lý, bác sĩ, hộ lý để thử xem ai có nhóm máu này.
Đồng chí Bùi Thị Hòa (bên trái), Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam và đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào HMTN năm 2024. |
Là một trong những người của ê kíp trực tiếp thực hiện ca cấp cứu, không do dự, nữ hộ sinh Lê Thị Thanh Huyền (Khoa Đẻ) sẵn sàng thử và hiến 2 đơn vị máu cho bệnh nhân, đồng thời liên hệ với một đồng nghiệp khác khoa hiến thêm 1 đơn vị máu. Nhờ đó, bệnh nhân thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" trong gang tấc. Đêm đó, chị Huyền chưa kịp ăn tối, không một hạt cơm trong bụng, hiến xong mệt lả nhưng cảm thấy hạnh phúc vì những giọt máu của mình đã cứu sản phụ thoát khỏi hiểm nguy.
Không chỉ lần này, chị Huyền từng nhiều lần hiến cho bệnh nhân cấp cứu cần máu gấp. Ghi nhận việc làm đầy nhân văn của nữ hộ sinh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho chị Lê Thị Thanh Huyền. “Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên trực, chứng kiến những cảnh mất máu của sản phụ khi sinh nở nên đã quen với việc hiến máu. Nhiều người khuyên tôi cân nhắc việc này vì còn phải bảo đảm sức khỏe trong các ca trực. Thế nhưng, mỗi lần nhìn những bệnh nhân mất máu, mạng sống tính bằng giây, tôi không cầm lòng trước cảnh thương tâm đó”, chị Huyền xúc động chia sẻ.
Cán bộ, công chức, người dân tỉnh Bắc Giang tham gia Ngày hội HMTN hưởng ứng lễ phát động Hành trình đỏ năm 2024. |
Khoảng 17 giờ ngày 17/4/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận bệnh nhân Hà Văn Quý (SN 1973) trú tại xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế nhập viện trong tình trạng nôn ra máu rất nhiều. Anh Quý có tiền sử xơ gan, từng bị xuất huyết tiêu hóa. Để bổ sung máu, bệnh nhân cần được truyền từ 700 - 1.500 ml song do bệnh nhân có nhóm máu hiếm O Rh(-) trong khi kho máu dự trữ của bệnh viện không còn, tính mạng của bệnh nhân rất mong manh.
Thông tin đưa lên nhóm Facebook, ngay trong đêm đó, 5 tình nguyện viên có nhóm máu O Rh(-) của Câu lạc bộ (CLB) Hiến tiểu cầu tỉnh Bắc Giang có mặt kịp thời đăng ký hiến và cứu sống bệnh nhân. “Tôi rất biết ơn mọi người. Nếu không có những giọt máu ấy, có lẽ tôi đã không còn nữa”, anh Quý rưng rưng.
Bệnh nhân Hà Văn Quý, xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế - người được nhận máu ngày 17/4/2024 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. |
Đêm 17/6/2024, nhận được tin báo có bệnh nhân đang nguy kịch cần truyền máu gấp, hơn 10 người (gồm cán bộ, công chức, doanh nhân, đoàn viên thanh niên…) ngay lập tức có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang chực chờ. Bệnh nhân là Hà Thị Viện, 22 tuổi, thường trú tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn bị ung thư máu, sốt cao, hôn mê sâu, mạng sống tính từng phút. Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, cho - nhận, được truyền máu qua cơn nguy kịch, bệnh nhân được chuyển đi Hà Nội ngay trong đêm để tiếp tục điều trị.
Chị Lý Thị Thêm - người nhà của bệnh nhân, có mặt trực tiếp chứng kiến cảnh truyền máu đêm đó kể lại: “Gia đình ngỡ cháu sẽ mất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Không phải họ hàng, máu mủ, ruột thịt, nhìn mọi người xếp hàng chờ lấy máu trong đêm khuya, gia đình tôi rất cảm động. Nhờ những giọt máu nghĩa tình, cháu tôi được cứu sống kịp thời. Chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài cảm tạ, biết ơn vô cùng”.
Nở rộ các chiến dịch hiến máu
Trên đây chỉ là ba trong số hàng trăm, hàng nghìn người bệnh được cứu sống nhờ giọt máu hồng của những người HMTN Bắc Giang. Là tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn song công tác từ thiện, nhân đạo, trong đó có HMTN những năm gần đây luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm coi trọng. Nhớ lại thời điểm trước năm 2005, tỷ lệ người tham gia hiến máu ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rất ít.
Lãnh đạo Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh Bắc Giang cùng các đại biểu và tình nguyện viên hưởng ứng khẩu hiệu chương trình Hành trình đỏ năm 2024. |
Có những xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, số người hiến máu mỗi đợt chỉ tính trên đầu ngón tay. Không ít trường hợp viện đủ lý do (sức khỏe không tốt, bị bệnh này, bệnh kia, bận việc…) từ chối hiến máu. Nguyên nhân chính là do cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo (BCĐ) hiến máu các địa phương, nhất là ở cơ sở chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Hoạt động của BCĐ HMTN các cấp chưa quy củ, không nền nếp, bài bản, khoa học, thiếu hiệu quả. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người trong các tầng lớp nhân dân chưa được nâng lên...
Với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, “Máu có thể chờ người bệnh - xin đừng để người bệnh chờ máu”, 5 năm trở lại đây, mỗi năm toàn tỉnh tiếp nhận từ 22-26 nghìn đơn vị máu của người hiến. Kết quả hiến máu của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Bắc Giang luôn là đơn vị đứng tốp đầu trong cụm thi đua và các tỉnh phía Bắc, trở thành điểm sáng của cả nước về HMTN. |
Nhằm thúc đẩy phong trào HMTN, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã bắt tay vào cuộc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hơn 10 năm qua, phong trào HMTN của tỉnh Bắc Giang đã có bước tiến vượt bậc. Một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt được các cấp quan tâm đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của hiến máu cứu người; củng cố BCĐ từ tỉnh đến cơ sở, phát triển, thành lập nhiều CLB hiến máu.
Đến nay, 100% cấp huyện, cấp xã của tỉnh đã có BCĐ Vận động HMTN; các thôn, bản, tổ dân phố đều có chi hội CTĐ; nhiều cơ quan, đơn vị thành lập được BCĐ Vận động HMTN; 100% các huyện, thị xã, TP và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn có CLB, đội tuyên truyền vận động, chăm sóc người HMTN, CLB nhóm máu hiếm, CLB hiến máu dự bị, CLB hiến tiểu cầu. Với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, “Máu có thể chờ người bệnh - xin đừng để người bệnh chờ máu”, 5 năm trở lại đây, mỗi năm toàn tỉnh tiếp nhận từ 22-26 nghìn đơn vị máu của người hiến. Kết quả hiến máu của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Bắc Giang luôn là đơn vị đứng tốp đầu trong cụm thi đua và các tỉnh phía Bắc, trở thành điểm sáng của cả nước về HMTN.
Các tình nguyện viên ra quân hưởng ứng chương trình HMTN tỉnh Bắc Giang. |
Các chiến dịch “Vận động HMTN dịp Tết - Lễ hội Xuân hồng”, “Những giọt máu hồng hè”, “Hành trình đỏ”… được tổ chức thường xuyên, thiết thực, hiệu quả, trở thành phong trào rộng khắp, trở nên quen thuộc, gần gũi với nhân dân; là chỗ dựa, niềm tin của người bệnh. Các chiến dịch, chương trình HMTN được viết lên bởi trái tim đầy nhiệt huyết, hiểu được giá trị của hoạt động hiến máu, lan tỏa tình yêu thương vì sự tiến bộ chung của xã hội. Thông qua các hoạt động thể hiện truyền thống “Tương thân tương ái”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam; kết nối yêu thương, thắt chặt tinh thần đoàn kết dân tộc; đưa con người xích lại gần nhau hơn. Đồng thời, khẳng định sự phát triển vững chắc của phong trào, giúp ngành Y tế chủ động được nguồn máu bảo đảm chất lượng, an toàn phục vụ cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 36 ngày hội HMTN, tiếp nhận hơn 27,3 nghìn đơn vị máu, đạt hơn 170% kế hoạch năm do BCĐ Quốc gia giao, tăng 26 lần so với năm 2005 (năm 2005 là năm khởi đầu phong trào HMTN của tỉnh). Hiện nay, toàn tỉnh có 17 CLB, đội tuyên truyền vận động HMTN với 2.175 tình nguyện viên tham gia; trong đó có 10 CLB tuyên truyền vận động HMTN cấp huyện, 7 CLB cấp tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tổ chức 23 ngày hội HMTN, có gần 13 nghìn người hiến được máu, tiếp nhận gần 17 nghìn đơn vị máu, đạt 100,4% kế hoạch năm 2024 do BCĐ quốc gia giao. Một số địa phương điển hình trong phong trào HMTN có thể kể đến như các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Hiệp Hòa, thị xã Việt Yên, TP Bắc Giang. Cùng đó là các đơn vị: Trường Cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn, Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự và nhiều sở, ban, ngành, cơ quan của tỉnh, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp…
Lãnh đạo Hội CTĐ Việt Nam tặng hoa động viên tình nguyện viên của tỉnh Bắc Giang tham gia hiến máu. |
Với mục đích nhân lên giá trị cao đẹp của hiến máu cứu người, tạo động lực, tinh thần mạnh mẽ đối với các tập thể, dòng họ, gia đình và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động và HMTN trong toàn tỉnh, từ năm 2010 đến nay, BCĐ tỉnh đã kịp thời tôn vinh 7.038 tập thể, dòng họ, gia đình và cá nhân hiến máu tiêu biểu. Năm 2024 là năm thứ 16 liên tiếp, BCĐ Vận động HMTN tỉnh tổ chức tôn vinh người hiến máu tiêu biểu.
Tại các lễ phát động, tỉnh thường xuyên lồng ghép tổ chức trao quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; đồng thời trao tặng sữa tươi cho học sinh các trường mầm non, tiểu học tiêu biểu để lại ấn tượng, hình ảnh đẹp trong lòng người hiến máu. Phong trào HMTN của tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng, thực sự trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Những giọt máu đã cứu mạng sống biết bao người, làm hồi sinh nhiều cuộc đời.
(còn nữa)
Minh Ngọc-Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)