Gieo ước mơ cho học trò vùng cao
Đường vào bản Suối Chạc. |
Nhọc nhằn giáo viên cắm bản
Không phải mùa mưa nên đường vào bản Suối Chạc đỡ vất vả vì các suối đều cạn nước. Hai bên đường, cây cối khẳng khiu, cành lá xác xơ, mấy thửa ruộng bỏ hoang lâu ngày không canh tác bởi phụ thuộc hoàn toàn nước trời. Trước khi vào bản, người đưa tôi đi là cô giáo Nguyễn Thị Mai, Trường Mầm non Phong Vân đã mượn một chiếc xe của đồng nghiệp đủ an toàn để vượt đèo, leo dốc. Quãng đường hơn chục cây số từ khu trung tâm thuộc thôn Vựa Ngoài đến Suối Chạc lắt léo bám theo triền núi, lúc dựng đứng rồi lại xuống vòng cua, phanh gấp, xe giảm tốc độ xuống thấp. Cứ như vậy đến chục bận khiến người lái phải thật chắc tay mà người ngồi sau xe thì chóng mặt. Trở ngại là vậy nhưng gần chục năm qua, nhiều thầy cô giáo vẫn kiên trì gắn bó với điểm trường ở bản Suối Chạc.
Hiện xã Phong Vân còn 8 điểm lẻ với 22 lớp và 406 học sinh mầm non, tiểu học. Những nơi này vẫn thiếu phòng học, nước sạch; công trình vệ sinh, bếp ăn chưa bảo đảm. Xã còn hơn 54% hộ nghèo (năm 2016) nên việc xây dựng cơ sở vật chất, làm đường giao thông chủ yếu do Nhà nước hỗ trợ. Địa phương phấn đấu đến năm 2020 sẽ tranh thủ kinh phí Chương trình xây dựng nông thôn mới để cứng hóa đường giao thông, đặc biệt ưu tiên những tuyến vào các thôn có điểm trường lẻ giúp các thầy cô giáo, học sinh vơi bớt khó khăn”. Ông Vi Văn Doanh, Chủ tịch UBND xã Phong Vân. |
Năm học 2017-2018, hai cô giáo Lăng Thị Xuân và Lăng Thị Dự được phân công vào bản dạy một lớp mầm non với 29 trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Khi chúng tôi đến, các bé vừa ngủ trưa dậy. Trong khi cô Xuân chải đầu, buộc tóc cho các bé gái thì cô Dự nhanh tay gập chăn, dọn bàn chuẩn bị bữa ăn phụ. Mắt lũ trẻ ánh lên vẻ tò mò, lạ lẫm khi thấy những người khách mang theo túi xách, máy ảnh, đồ đạc lỉnh kỉnh. Suối Chạc có 92 hộ hầu hết đều thuộc diện nghèo, người dân tộc Tày chiếm 97%.
Anh Vi Văn Thịnh, có con trai là Vi Văn Huy đang học mầm non nói: “Từ khi có điểm trường, trẻ em trong bản được cô giáo chăm sóc tận tình nên chúng tôi yên tâm làm nương rẫy”. Người dân nghèo không có tiền thuê nhân viên cấp dưỡng nên một trong hai cô giáo luân phiên đảm nhận. Cô Xuân sinh ra và lớn lên ở Phong Vân, quê chồng ở xã Kim Sơn, cách trường gần 40 km còn cô Dự nhà ở Hộ Đáp mới bén duyên với vùng đất này.
"Nhà chồng ở xa, đường vào cheo leo như vậy, em đi về trong ngày hay ở lại trường?" - tôi hỏi Xuân. "Em vào đây dạy khi con nhỏ mới 20 tháng tuổi. Để thuận tiện cho công việc, hai mẹ con ở nhờ nhà người thân trong xã, cuối tuần mới đưa nhau về quê". Đi lại vất vả, đến lớp lại luôn chân luôn tay với công việc nên thời gian đầu dạy ở Suối Chạc, cô Xuân, cô Dự sụt cân, mấy tháng sau mới lại người.
Gập ghềnh đường vào bản Suối Chạc. |
Là giáo viên cắm bản thì việc gì cũng phải biết làm. Các cô đến sớm trước giờ đón trẻ và về sau cùng khi lớp học đã được lau dọn sạch sẽ. Vừa giảng dạy, giáo viên kiêm “vai” cấp dưỡng, rồi bảo vệ, thợ sửa điện, xe, khóa và nhiều thứ phát sinh khác. Vùng cao mùa này nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Cả bản chỉ có 2 giếng khơi nằm ở đầu và cuối bản, phục vụ sinh hoạt cho hơn 400 nhân khẩu. Hai lần trong tuần, một người phải cuốc bộ đi bơm nước. Từ tháng 12 âm lịch năm trước đến khoảng tháng 2 năm sau giếng cạn nước nên cô và trò dùng nước rất dè xẻn. Nước đã vậy, chợ lại cách điểm trường 12 cây số, đường đi quá khó khăn. Bởi vậy, có lần các cô mua được ít trứng mang về đến nơi thì đã vỡ gần hết.
San sẻ khó khăn, ấm tình đồng nghiệp
Nhận quyết định phân công về các điểm lẻ, mỗi giáo viên đều hiểu phía trước vô vàn gian nan đang chờ đợi. Vượt lên tất cả, họ miệt mài truyền kiến thức tới học trò. Cô Bùi Thị Hương, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Phong Vân kể, cơ sở vật chất các điểm trường tuy đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng khó khăn trong đời sống của giáo viên vẫn còn nhiều. Công đoàn phát động phong trào “Mỗi giáo viên giúp đỡ một đồng nghiệp”, duy trì Quỹ "Tương trợ đời sống" vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên đóng góp. Số tiền khoảng 10 triệu đồng luân phiên cho hàng chục lượt đoàn viên khó khăn vay không lấy lãi (mỗi người vay từ 3-5 triệu đồng).
Không quản ngại khó khăn, giáo viên Trường Mầm non Phong Vân vẫn thường xuyên đến thăm gia đình học sinh ở bản Suối Chạc. |
Điều kiện sinh hoạt, đi lại bất cập là vậy song giống như các điểm trường chính, các thầy cô giáo ở điểm lẻ luôn duy trì nghiêm nền nếp, dạy và học đúng thời gian quy định. Các lớp học được trang trí sinh động, thân thiện theo các chủ đề của bậc học. Từ khi có điện chiếu sáng, mạng Internet, thầy cô chú trọng khai thác tiện ích của máy tính hoặc điện thoại thông minh để đưa âm nhạc hỗ trợ trẻ học bảng chữ cái, nhận biết sắc màu, đồ vật, hình khối; hoạt động ngoại khóa, hát, múa... Chuẩn bị kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, các khu lẻ đang hăng hái thi đua dạy tốt, học tốt; dành thời gian tập văn nghệ chuẩn bị tham gia hội diễn tổ chức tại khu trung tâm.
Thầy và trò ở điểm trường thôn Niêng, Trường Tiểu học Phong Vân. |
Để chia sẻ khó khăn với thầy cô dạy điểm trường lẻ, ban giám hiệu các trường tiểu học, mầm non quan tâm tặng quà động viên dịp đầu năm hay ngày Tết cổ truyền; bố trí luân phiên giáo viên giảng dạy tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Bởi vậy, chất lượng giáo dục bảo đảm, theo kịp với khu trung tâm. Cả ba trường mầm non, tiểu học, THCS ở Phong Vân đều đạt chuẩn quốc gia. Riêng bậc tiểu học có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; nhiều năm đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua. Bậc mầm non là điểm sáng về chất lượng của ngành giáo dục Lục Ngạn.
Thầy trò điểm trường lẻ ở thôn Niêng, Trường Tiểu học Phong Vân sử dụng tiết kiệm nước sinh hoạt. |
Dẫn tôi đi thăm các khu lớp học, cô Trần Thị Đông, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Vân và thầy Ngô Đức Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Vân cho biết, để hoàn thành tốt sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, đặt biệt là ở khu lẻ chung sức vượt khó, đoàn kết, hết lòng vì công việc. Nhiều thầy cô tận dụng các khoảnh đất trống trồng hoa và cây cảnh, tạo cảnh quan khuôn viên xanh - sạch - đẹp; trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn bán trú cho trẻ. Hiểu và cảm thông với sự nghiệp cao quý mà các thầy cô đã chọn, mỗi người trong gia đình lặng thầm chia sẻ, gánh vác việc nhà, động viên thầy cô vượt lên gian khó, mang kiến thức, ước mơ cho học trò vùng cao.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)