Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết
BẮC GIANG - Đoàn kết là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm bởi đó là “chìa khóa vạn năng” mở đường tới thành công. Lời căn dặn của Người tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc năm 1963 thật sâu sắc: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công,… Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ”. Hiện nay, cấp tỉnh, cấp xã đang thực hiện chủ trương sáp nhập; các đảng bộ chuẩn bị tổ chức đại hội nhiệm kỳ tới, việc “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” mà Người nhắc nhở trước lúc đi xa lại càng có ý nghĩa thời sự.
Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc ngày 17/10/1963 đã gần 62 năm mà như mới hôm qua. Khi ấy, Hà Bắc là tỉnh mới hợp nhất từ Bắc Giang và Bắc Ninh hơn một năm. Sau khi chia tách từ đầu năm 1997, đến trước nhiệm kỳ 2025-2030, hai tỉnh sẽ sáp nhập lấy tên là Bắc Ninh, cho nên có rất nhiều việc để làm. Khắc ghi và làm theo lời Người, nhất là về đoàn kết, không chỉ là tình cảm, lòng tri ân đối với “vị cha già dân tộc” mà còn là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước yêu cầu hiện nay.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I (ngày 17/10/1963). |
Đoàn kết là sức mạnh vô địch
Mỗi câu nói về đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều sâu sắc, mang ý nghĩa như một chân lý của thời đại, bởi đó là tư duy khoa học, sáng tạo được chắt lọc, kết tinh từ quan niệm, mạch nguồn của dân tộc ta suốt bốn nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trải qua bao đau thương, tủi nhục, vật lộn với đói nghèo, với bao kẻ thù xâm lược bạo tàn, hơn ai hết, người dân Việt Nam hiểu rõ giá trị và sức mạnh của đoàn kết, chỉ có triệu người như một mới vượt lên những thách thức ấy. Đoàn kết từ việc nhỏ trong mỗi gia đình đến việc lớn như xây dựng quê hương, đất nước.
Ông cha ta từng nói: “Máu chảy ruột mềm”, “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”; “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”; hay như “Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Có đến hàng nghìn câu cao dao, tục ngữ, thành ngữ nói về đoàn kết, phong phú, dồi dào và bao la như tình yêu thương, như tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam.
Trong Di chúc, khi nói về Ðảng với hơn 200 chữ, Người đã dành gần 150 chữ nói về đoàn kết và khẳng định đó là truyền thống cực kỳ quý báu, nhờ đó mà Đảng lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lời căn dặn của Người “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” đã thành chân lý, hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống của đất nước... |
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh vô địch, càng khó khăn càng phải đoàn kết, thống nhất. “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Lịch sử của dân tộc từ khi có Đảng là minh chứng hùng hồn nhất cho chân lý vĩnh hằng đó. Nhờ đoàn kết thống nhất, từ thân phận nô lệ, Nhân dân ta đã nhất tề đứng lên “xoay vần vận mệnh” đánh đổ chế độ thực dân và phong kiến, làm chủ bản thân và đất nước; đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới.
Trong Di chúc, khi nói về Ðảng với hơn 200 chữ, Người đã dành gần 150 chữ nói về đoàn kết và khẳng định đó là truyền thống cực kỳ quý báu, nhờ đó mà Đảng lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lời căn dặn của Người “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” đã thành chân lý, hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống của đất nước, như một lời hiệu triệu, một phương châm hành động cách mạng, giàu tính nhân văn của dân tộc và con người Việt Nam.
Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình
Hiện nay, Bắc Giang cũng như các địa phương khác trong cả nước đang dồn sức thực hiện ba nhóm nhiệm vụ lớn, đó là hoàn thành kế hoạch của năm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ; sáp nhập đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới. Khối lượng công việc lớn, phức tạp, nhạy cảm, khó, lại cùng thực hiện trong thời gian ngắn. Tâm thế, tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo dù nhiệt tình hưởng ứng, nhưng ít nhiều vẫn có tâm trạng vừa làm vừa nghe ngóng, chưa biết mình đi đâu về đâu. Đây là lúc, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự xác định tư tưởng cho mình, làm theo lời Người dặn gần 62 năm trước, “dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho”.
Đoàn kết không chỉ là yêu cầu của tổ chức mà còn là mong muốn thiết tha của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bài thơ "Hòn đá" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ví von nôm na mà sâu sắc, muốn truyền đi một thông điệp về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ai cũng có thể nhận biết. “Hòn đá to/Hòn đá nặng/Chỉ một người/Nhắc không đặng” mà phải “Nhiều người nhắc/Nhắc lên đặng” và ý nghĩa của bài thơ nằm ở các câu kết: “Biết đồng sức/Biết đồng lòng/Việc gì khó/Làm cũng xong”.
Đoàn kết quý giá như vậy, cho nên Người đã căn dặn phải giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. “Giữa đảng viên và cán bộ với nhau, phải kiên quyết bỏ hết thành kiến,… Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng”. Người cho rằng, “Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng”. Không phải ngẫu nhiên, trong một câu ngắn mà từ “thật sự” được Người nhắc đến hai lần.
Thật sự đoàn kết có nghĩa là không được đoàn kết hình thức, xuôi chiều, thậm chí bao che cho nhau, hay miệng nói “nhất trí” mà trong lòng “không đồng ý”. Đoàn kết phải gắn với dân chủ, dân chủ thật sự, mạnh dạn nêu chính kiến để bảo vệ lẽ phải, để tăng cường sự đoàn kết, chứ không phải hình thức, a dua, nói dựa. Đoàn kết phải gắn với “nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình”, là thật lòng nói cho đồng chí mình biết có “vết nhọ trên trán” mà rửa đi, để giúp nhau cùng tiến bộ; chứ không phải “bới lông tìm vết”; là thành tâm “tự soi, tự sửa” để hoàn thiện mình, chứ không phải “làm màu, làm mè”, đánh bóng tên tuổi với đồng chí, đồng nghiệp.
Đoàn kết mọi lúc, mọi nơi, khi hai tỉnh mới nhập thành một lại càng phải đoàn kết thống nhất, “Phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa”; “cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm”; “Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu, như xích mích kèn cựa giữa cán bộ và giữa đảng viên, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau,…”- Người nhấn mạnh khi nói về hai tỉnh mới hợp nhất.
Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ tỉnh Hà Bắc đã gần 62 năm mà nay đọc lại càng thấy thấm thía biết bao, không chỉ dành cho một đảng bộ mà còn là lời nhắc nhở chung cho nhiều nơi. Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã, bỏ cấp huyện gắn với quá trình chuẩn bị đại hội Đảng đang được các địa phương, các tổ chức đảng “vừa chạy vừa xếp hàng” với khối lượng công việc khổng lồ, trong đó nhiều việc phải làm cùng lúc. Vừa tập trung lựa chọn, cân nhắc ai về, ai ở lại tiếp tục công tác, bộ máy mới sẽ vận hành thế nào, vừa lo chính sách cho số cán bộ nghỉ trước tuổi do giảm biên chế, vừa lo quản lý, sử dụng số trụ sở dôi dư, vừa lo nghĩ xây dựng văn kiện đại hội cũng như công tác nhân sự sau sáp nhập... Giữa lúc này không có tiếng nói chung trong các chương trình công tác, trong từng việc thì rõ ràng sẽ là “ông chẳng, bà chuộc”, không việc nào đến đầu đến đuôi. Nhưng khi mở “cẩm nang” đoàn kết mà Bác gửi lại, nhất là bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc để soi mình và làm theo thì tin rằng, mọi việc sẽ tốt đẹp, bởi “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.
Thời gian càng lùi xa càng thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết luôn có giá trị trường tồn.
Ý kiến bạn đọc (0)