Gia phả khắc trên gốm sành- hiện vật độc đáo ở Thổ Hà
Ngày nay những lò gốm làng Thổ Hà không còn hoạt động nhưng sản phẩm gốm Thổ Hà còn trong dân gian vẫn được nhiều người ưa chuộng. Gốm Thổ Hà không chỉ bền đẹp mà còn rất phong phú từ đồ dùng dân dã như chum, vại, vò lọ, tiểu sành… cho đến các đồ thờ cúng trong đình, đền, chùa như bát hương, cây hương, bảo tháp, đầu đao, con giống, linh vật… Còn một sản phẩm gốm Thổ Hà mà ít người biết tới và nó trở nên độc đáo ở xứ Bắc đó là tấm bia gốm khắc ghi gia phả của dòng họ Trịnh Xuân từ thế kỷ XIX ở làng cổ Thổ Hà.
Gia phả của dòng họ Trịnh Xuân khắc trên gốm sành thế kỷ XIX. |
Xưa nay, các dòng họ lập gia phả thường ghi trên giấy hoặc khắc ghi trên bia đá, chưa thấy gia phả nào khắc ghi trên bia gốm sành. Vì thế gia phả khắc trên gốm sành của dòng họ Trịnh Xuân ở làng Thổ Hà trở nên độc đáo và quý hiếm. Tấm bia gốm sành có đặc điểm màu vàng nâu, chán bia khắc hình hoa dây cách điệu chầu chữ Thọ. Diềm bia xung quanh khắc hình hoa thị, lòng bia một mặt toàn văn khắc chữ Hán. Bia gốm làm vào ngày 14 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Nội dung tấm bia như sau: “Họ đã họp nhưng không biết tiên tổ giỗ vào ngày nào nên tất cả đều nhất trí lấy ngày chạp họ vào 15 tháng Chạp cúng giỗ. Vị trưởng sự thu lấy tiền đồng đem về mua đủ lễ vật đem đến trước miếu làm lễ tổ tiên, bao gồm hoa quả rượu… làm lễ.
Cứ vậy cho về sau nối đời vạn đại mà giỗ. Cụ Trịnh Xuân Bách, Trịnh Xuân Đài, Trịnh Xuân Bính, Xuân Nhị, Xuân Thanh, Xuân Đinh, Xuân Tham, Trịnh Xuân Nghệ, Xuân Dũng... Tiên tổ của dòng họ từ cổ đến nay thì gia phong đã định tiền lệ được hai trăm năm. Đến năm nay theo ghi chép có được 113 quan chính, thu tiền để làm Từ đường (nhà thờ họ). Có tích ghi chép cộng được 300 tiền 122 quan… Hiệu Từ Ninh chính giỗ ngày 12 tháng Giêng. Cụ Tự Phúc Khang chính giỗ ngày 9 tháng Giêng. Cụ sinh được 3 nam 3 nữ. Con trưởng là Tự Pháp Chính. Con thứ Tự Phúc Đường. Con thứ 3 Tự Phúc Đình. Ngày 28 tháng 3 giỗ cụ Pháp Chính. Ngày 3-5 giỗ cụ hiệu Từ Thận. Ngày 4- 9 giỗ cụ Thuần Trực. Bản họ sở hữu cổ tiền là 40 quan, phân phối cho các người giữ kê dưới đây: Xuân Đài 70 quan, Xuân Thanh 10 quan, Xuân Quốc 10 quan, Xuân Trên 5 quan, Xuân Trụ 2 quan 500, Xuân Định 2 quan 500. Ngày 9 tháng Giêng, trưởng họ thu tiền đủ số cùng các tích chuyển đến Từ đường làm lễ đầy đủ các ngày giỗ vào giờ Ngọ tiến lễ tại trước Miếu hành lễ, cúng cầu tổ tiên chứng giám. Từ nay trở về sau không được ngơi nghỉ. Sau đó cúng cầu Thiên địa Quỷ thần làm chứng để biết….”
Gia phả khắc trên gốm sành, hiện là tấm bia bằng gốm cổ nhất ở Thổ Hà. Nội dung phả hệ ngắn gọn cho biết họ Trịnh Xuân đã có mặt ở Thổ Hà trước đó trên dưới 200 năm. Tính đến nay, dòng họ Trịnh Xuân đã có mặt ở Thổ Hà gần 400 năm. Thủa ấy, dòng họ không biết các tổ giỗ ngày nào nên lấy ngày 15 tháng Chạp làm ngày Chạp họ cúng tổ. Từ năm 1836, dòng họ Trịnh Xuân đã có tiền làm Từ đường- nhà thờ họ. Tiền dư tồn giao cho các trưởng chi, con cháu giữ lo việc giỗ chạp và việc họ. Cùng thời điểm này, họ Trịnh Xuân lại làm một tấm bia bằng gốm sành khắc nội dung gia phả lên đó. Tấm bia gốm sành này không chỉ là bản gia phả của một dòng họ mà còn là sản phẩm gốm độc đáo của một làng nghề truyền thống. Đánh dấu thời kỳ thịnh vượng của gốm Thổ Hà ở xứ Kinh Bắc. Hiện nay, tấm bia gốm của dòng họ Trịnh Xuân là hiện vật duy nhất có ở Thổ Hà và có lẽ cũng không tìm thấy ở đâu sản phẩm gốm khắc ghi gia phả của dòng họ như ở Thổ Hà- Bắc Giang.
Với cách thức làm gia phả độc đáo này của dòng họ Trịnh Xuân xứng đáng được tôn vinh ca ngợi. Cuốn gia phả khắc ghi trên gốm sành là điển hình về ý thức chăm lo dòng họ từ xa xưa mà đến nay vẫn còn ý nghĩa lịch sử văn hóa và ý nghĩa giáo dục cao. Thiết nghĩ các dòng họ khác cũng nên cho khắc gia phả trên bia đá hoặc bia gốm như họ Trịnh Xuân ở Thổ Hà thì việc nghiên cứu tìm hiểu các dòng họ sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)