GDP quý I tăng 6,93%
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025, theo Cục Thống kê.
Sáng 6/4, Cục Thống kê (GSO) công bố tình hình kinh tế ba tháng đầu năm. Kinh tế Việt Nam trong quý I khởi sắc, tăng 6,93%.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Mức này thấp hơn so với dự báo trước đó của một số tổ chức quốc tế như Standard Chartered hay Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam có thể đạt 7,1-7,7%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết kết quả tăng trưởng quý I năm nay chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25 của Chính phủ. Theo bà, nguyên nhân do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Khu vực công nghiệp và xây dựng - dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế.
Trong đó, dịch vụ là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, hơn 53,74%. Theo Cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao góp phần cho tăng trưởng của ngành thương mại và dịch vụ đạt mức khá cao. Nhờ đó, giá trị tăng thêm khu vực này tăng 7,7% so với năm trước.
Công nghiệp và xây dựng tiếp tục khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 3 tháng tăng 7,32%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,28%.
Tương tự, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong quý I. Giá trị tăng thêm khu vực này trong quý đầu năm tăng 3,74%.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,56%; công nghiệp và xây dựng là 36,31%; còn dịch vụ 43,44%. Cơ cấu này tương đồng với cùng kỳ năm ngoái.
Quý I cũng chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp, đạt hơn 202 tỷ USD. Mức này tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 10,6%, nhập khẩu 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD.
Nhiều lĩnh vực phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Theo Cục Thống kê, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn lập mới, quay lại thị trường.
Ba tháng đầu năm, cả nước có hơn 36.400 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 356.800 tỷ đồng. Số quay lại hoạt động cũng tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2024, đạt hơn 36.500 đơn vị. Như vậy, mỗi tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể vẫn tăng mạnh. Bình quân một tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, doanh nghiệp đóng cửa bình quân mỗi tháng cao hơn khoảng 2.000 đơn vị so với thành lập mới.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo - vốn là động lực của nền kinh tế, cho thấy trên 24,1% nói tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý cuối năm ngoái. Hơn 47% đơn vị kinh doanh nhìn nhận ổn định, còn lại đánh giá khó khăn.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm tăng 3,22% so với cùng kỳ 2024.
Ý kiến bạn đọc (0)