Điều chỉnh quy hoạch 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Gia Bình
Thứ Bộ trưởng Xây dựng Lê Anh Tuấn vừa ký Quyết định số 347 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 648 ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định này, vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 cũng điều chỉnh tăng thêm khoảng 23.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là sự điều chỉnh quy mô giữa hai Sân bay quốc tế Nội Bài và Gia Bình (Bắc Ninh).
![]() |
Phối cảnh Sân bay Gia Bình. |
Cụ thể, đối với Sân bay quốc tế Nội Bài, theo quy hoạch mới sẽ có công suất thiết kế dự kiến khoảng 55 triệu hành khách mỗi năm thời kỳ 2021-2030 với chi phí đầu tư khoảng 93.551 tỷ đồng.
Tầm nhìn đến 2050, Sân bay quốc tế Nội Bài có công suất đáp ứng khoảng 85 triệu hành khách mỗi năm, với chi phí đầu tư khoảng khoảng 197.856 tỷ đồng.
Theo quy hoạch hệ thống cảng hàng không, Sân bay quốc tế Nội Bài hiện hành được Chính phủ phê duyệt năm 2023, có công suất 60 triệu hành khách đến năm 2030 và 100 triệu hành khách mỗi năm đến năm 2050.
Cũng tại Quyết định 347 của Bộ Xây dựng, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình được cập nhật vào hệ thống cảng hàng không toàn quốc theo quy mô, cấp sân bay 4E; công suất thiết kế dự kiến khoảng 1 triệu hành khách/năm thời kỳ 2021- 2030; khoảng 3 triệu hành khách/năm đến năm 2050; diện tích đất dự kiến khoảng 363,5 ha.
Theo điều chỉnh, công suất thiết kế dự kiến của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình khoảng 5 triệu hành khách/năm thời kỳ 2021-2030; khoảng 15 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 3/3/2025, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về nhu cầu bổ sung quy hoạch đối với Cảng hàng quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ Công an, hiện nay, Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Gia Bình xác định nhu cầu đất khoảng 363,5 ha đáp ứng cho công suất đến năm 2050 là 1 triệu tấn hàng hóa/năm và 3 triệu hành khách/năm; nhà ga hành khách, ga hàng hóa có thể mở rộng đáp ứng công suất đến 2 triệu tấn hàng hóa/năm và 5 triệu hành khách/năm.
Với mục tiêu giảm tải cho Sân bay quốc tế Nội Bài trong vận tải hàng hóa, hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, việc mở rộng quy mô, công suất của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình là rất cần thiết cho phát triển dài hạn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Diện tích đất dự kiến của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình là khoảng 408,5ha. Ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch của sân bay này là khoảng 25.614 tỷ đồng thời kỳ 2021-2030 và khoảng 12.083 tỷ đồng tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, tại Quyết định số 142 của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự rút gọn.
Tại Quyết định 142, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đã được cập nhật vào hệ thống cảng hàng không toàn quốc theo quy mô, cấp sân bay 4E; công suất thiết kế dự kiến khoảng 1 triệu hành khách/năm thời kỳ 2021- 2030; khoảng 3 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050; diện tích đất dự kiến khoảng 363,5ha.
Như vậy, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình được tăng công suất thêm 4 triệu hành khách/năm trong thời kỳ 2021-2030, tăng công suất thêm 11 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.
Ở chiều ngược lại, Quyết định 347 đã giảm công suất của sân bay quốc tế Nội Bài giảm 5 triệu hành khách cả 2 thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 so với quy hoạch ban đầu.
Với sự bổ sung sân bay Gia Bình, Bộ Xây dựng cũng điều chỉnh diện tích đất dự kiến của quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 24.240ha, thay vì 23.831ha như quy hoạch hiện tại.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 cũng điều chỉnh tăng từ 420.000 tỷ đồng (theo quy hoạch chưa điều chỉnh) lên khoảng 443.000. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách Nhà nước, ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ý kiến bạn đọc (0)