Duyên nghề
Ngày đầu học việc
Ngày 16/8/1993, 2 tháng sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa T.Ư, tôi được nhận vào làm họa sĩ trình bày, thuộc Phòng Toà soạn, Báo Hà Bắc. Sau 2 tuần làm quen công việc thông qua học tập, nghiên cứu các ấn phẩm báo, tạp chí tại thư viện cơ quan, tôi được nhà báo Đỗ Cường, Thư ký Toà soạn giao nhiệm vụ thiết kế lại măng-séc cùng toàn bộ vi-nhét các chuyên mục trên báo và tập vẽ minh hoạ cho mục “Câu chuyện an ninh”. Công việc mới mẻ khiến tôi bối rối vì hành trang mình có chỉ là những kiến thức liên quan đến giảng dạy môn Hội họa.
Nhận nhiệm vụ, tôi tìm đến hoạ sĩ Thế Hùng (khi ấy đang công tác tại Sở Văn hoá - Thông tin Hà Bắc) nhờ hướng dẫn. Hồi ấy chưa có máy vi tính nên việc viết bài, vẽ minh hoạ hay thiết kế măng-séc hoàn toàn thủ công. Việc in báo cũng mới chuyển từ sắp chữ chì, in typo sang chế bản điện tử và in offset được khoảng nửa năm. Sau gần một tháng tìm tòi, sáng tác, cuối cùng tôi cũng hoàn thành công việc. Cầm những phác thảo của tôi, chăm chú hồi lâu, nhà báo Đỗ Cường mới lên tiếng: “Cháu có cố gắng! Từ nay chuyển sang học trình bày báo”. Lời động viên giờ tôi vẫn nhớ như in, càng vui hơn khi những sản phẩm đầu tay của mình được Toà soạn đón nhận và sử dụng ngay.
![]() |
Trang nhất báo Hà Bắc thứ Bảy đầu tiên. |
Những ngày đầu học trình bày báo, ngoài bác Đỗ Cường, tôi được anh Trương Văn Giáo (công nhân mới “chân ướt, chân ráo” từ xưởng in typo lên thay hoạ sĩ Trần Vũ vừa chuyển công tác) hướng dẫn. Dù kinh nghiệm ít nhưng anh vẫn nhiệt tình chỉ bảo. Ngày đó báo in khổ lớn (56x42 cm) nên việc vẽ maket trên giấy càng khiến tôi khó hình dung bố cục, căn phần “đất” cho mỗi tin, bài, ảnh. Nhiều khi họa sĩ phải đứng lên ghế hay trải maket xuống đất mới quan sát, hình dung ra các vị trí đặt tin, bài, ảnh, chú thích bảo đảm hợp lý nhất.
Hết giờ làm việc, mọi người xuống sân cơ quan chơi thể thao, mình tôi vẫn loay hoay trình bày. Gian nan nhất có lẽ vẫn là khâu mi trang và bình bản. Bởi thời ấy báo in khổ A2, trong khi máy laser chỉ in được khổ A4 nên tin, bài, ảnh, chú thích sau khi chế bản phải cắt rời, rồi bình bản ghép lại thành trang báo hoàn chỉnh mới giao cho nhà in. Công đoạn này thường dẫn đến sai sót, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” làm tôi không ít lần bị phê bình vì ghép nhầm.
Nhớ những ngày làm báo “Hà Bắc thứ Bảy”
Trước yêu cầu đổi mới về nội dung, hình thức các ấn phẩm của Báo Hà Bắc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, tiến kịp xu hướng phát triển của báo chí cả nước, từ ngày 1/1/1994, Báo Hà Bắc phát hành thêm kỳ “Hà Bắc thứ Bảy”. Để xuất bản được, cuối năm 1993, Ban Biên tập Báo Hà Bắc đã lập “cơ sở” tại Hà Nội và giao toàn bộ công việc “bếp núc” tòa soạn tờ “Hà Bắc thứ Bảy” cho nhà báo Trần Đăng Khoa (quê xã Mai Đình, Hiệp Hoà, lúc đó là Thư ký Toà soạn Báo Điện ảnh Việt Nam). Do nhóm hoạ sĩ của Báo Hà Bắc chưa đáp ứng được yêu cầu, Ban Biên tập đã nhờ hoạ sĩ Bành Minh (quê xã Bố Hạ, Yên Thế, khi ấy đang công tác tại Báo Điện ảnh Việt Nam) giúp.
Xác định việc sản xuất tờ "Hà Bắc thứ Bảy" sớm muộn cũng phải đưa về tỉnh nhà nên từ khi xuất bản số đầu, nhà báo Hoàng Tiến đã cử tôi xuống Hà Nội theo học nghề trình bày báo và làm chân “liên lạc” giữa Hà Bắc - Hà Nội với Nhà in Thống Nhất (phố Lý Quốc Sư, TP Hà Nội). Thời gian học nghề, tôi được bố trí ăn, ở, làm việc tại số nhà 52, ngõ Đại Đồng, phố Khâm Thiên (TP Hà Nội) - nơi ông Khoa và gia đình sinh sống.
Toàn bộ việc trình bày, biên soạn đều diễn ra ban đêm vì ban ngày họa sĩ Bành Minh và nhà báo Trần Đăng Khoa làm việc cơ quan. Dù vậy, các ông vẫn nhiệt tình truyền dạy cho tôi cách nhận biết, đặt vị trí tin quan trọng, bài đinh, bài phụ, cột tin, cỡ tít từng bài, phối màu, vẽ minh họa sao cho bảo đảm tính chính trị, hấp dẫn, nổi bật chủ đề. Nói có vẻ dễ nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy khó. Bởi việc trình bày báo khi đó chưa được giảng dạy ở các trường học trong nước.
Thời gian ở Hà Nội, tôi thường đạp xe đến từng cơ quan hoặc nhà riêng của các cộng tác viên đắc lực, như các nhà báo: Trần Bảo Hưng (Báo Đại Đoàn Kết), nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (Xưởng phim truyện Việt Nam), Lê Quang Vinh (Báo Lao Động); nhà văn Vũ Bão (Báo Điện ảnh Việt Nam)… nhận tin, bài và thuê đánh máy chữ. Sau một năm vừa làm, vừa học, tôi đã cơ bản “thành nghề”.
Mới đó mà đã gần 30 năm, thế nhưng, kỷ niệm về những ngày mới vào nghề và làm báo "Hà Bắc thứ Bảy" với tôi vẫn như ngày hôm qua.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)