Dừng tuyến đường thủy Cửa Đại - Cù Lao Chàm
Quyết định được đưa ra sau hơn nửa tháng xảy ra vụ chìm tàu cao tốc Phương Đông 05 trên biển Cửa Đại làm 17 người chết. Ông Trương Văn Sơn, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam giải thích phía TP Hội An và Ban quản lý bến Cù Lao Chàm đề xuất dừng hoạt động tàu cao tốc. Bến Cù Lao Chàm dừng cấp phép nên bến Cửa Đại dừng theo.
Tàu cao tốc neo đậu ở bến Cửa Đại sáng 15/3. |
Trước đó Đội Quản lý bến thủy nội địa, thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, cấp phép cho tàu rời bến Cửa Đại; ở đầu Cù Lao Chàm được thực hiện bởi Ban Quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm (thuộc UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An).
Theo ông Trương Văn Sơn, trong văn bản ngày 11/3, UBND TP Hội An cho rằng việc kiểm tra, cấp giấy phép vào, rời bến thủy nội địa Cù Lao Chàm thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, thời gian qua thanh tra chưa bố trí được lực lượng làm việc tại bến Cù Lao Chàm nên theo phân công, tạm thời xã Tân Hiệp đảm nhận.
Cho rằng việc xã Tân Hiệp cấp phép như hiện nay không đúng thẩm quyền, nhân viên làm việc tại Ban Quản lý bến Cù Lao Chàm không có chuyên môn, nghiệp vụ nên gặp rất nhiều khó khăn, TP Hội An đề nghị Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam kịp thời bố trí nhân lực thực hiện các nhiệm vụ quản lý, cấp phép rời bến Cù Lao Chàm theo đúng quy định, bắt đầu từ ngày 14/3.
Dựa trên đề xuất này, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam dừng cấp phép phương tiện thủy hoạt động trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm tại bến Cửa Đại từ ngày 14/3 cho đến khi có chủ trương mới.
Việc dừng hoạt động tuyến vận tải bất ngờ khiến người dân, du khách và chủ doanh nghiệp không kịp xoay xở. Sáng 15/3, gần 50 người mua vé du lịch tới bến Cửa Đại để lên tàu cao tốc đi Cù Lao Chàm nhưng không thể đi. Doanh nghiệp phải hoàn trả lại vé cho khách cùng lời xin lỗi. Nhiều du khách đang ở Cù Lao Chàm cũng không thể lên tàu về lại đất liền.
Trong thời gian chờ chủ trương mới, UBND TP Hội An đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam xem xét, thống nhất phương án tạm thời cấp phép ra, vào bến Cửa Đại. Phương án một là tiếp tục giao Ban Quản lý bến Cù Lao Chàm cấp phép. Phương án hai, ngoài bến Cửa Đại, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cử cán bộ ra cấp giấy phép rời bến Cù Lao Chàm.
Để tháo gỡ vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND TP Hội An và các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, có giải pháp tổ chức cấp phép cho tàu rời bến Cù Lao Chàm bảo đảm an toàn, không gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và du khách. Trường hợp vướng mắc, các bên báo cáo xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường thủy nội địa, UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
Theo Ban quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm, hiện nay trên tuyến biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm có 5 tàu gỗ mui hở, 87 tàu cao tốc mui kín chở khách. Năm 2019, các tàu vận chuyển 440.000 lượt khách; năm 2020 do ảnh hưởng đại dịch còn 164.000 lượt và năm 2021 là 32.000 lượt.
Khoảng 14 giờ ngày 26/2, tàu cao tốc Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, 1 lái tàu, 2 phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Cách bờ khoảng 3 km, tàu bị lật làm 17 người chết, còn lại được cứu sống.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam có chức năng kiểm tra, giám sát, việc cấp phép cho tàu rời bến Cửa Đại theo đánh giá của giới chuyên môn là "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Việc cấp phép tàu cao tốc chuẩn SB xuất bến ở Cù Lao Chàm được giao cho một đơn vị cấp xã cũng được cho là không đủ thẩm quyền cũng như khả năng chuyên môn.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)