Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế / Dành cho nhà đầu tư
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đưa hợp tác kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong hoạt động đối ngoại

Cập nhật: 20:46 ngày 09/03/2023
BGĐT)- Tối 9/3 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến với UBND các tỉnh, TP và đại diện nhiều cơ quan ngoại giao ở nước ngoài triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế.
{keywords}

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15 về công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 15 giai đoạn 2022-2026. Theo đó xác định phương châm triển khai công tác NGKT là: Quyết liệt, hành động, linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo, đột phá, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”.

Sau gần 70 hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trong năm 2022, các nội dung hợp tác về kinh tế đã được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất. Hơn 150 văn kiện hợp tác đã được ký kết

Trên cơ sở đó, Công tác NGKT phải được thực hiện với phương châm: “Nghĩ phải chín, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó, có trọng tâm, trọng điểm”.

Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực (với 3 thành tố chính là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hóa) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. 

Thủ tướng nhấn mạnh: "Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, là nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Về công tác ngoại NGKT, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Năm 2022, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh chóng, bất ngờ; kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, “phân tách” kinh tế gia tăng, xu hướng bảo hộ và thiết lập các tiêu chuẩn mới về môi trường, lao động gắn với thương mại, đầu tư được thúc đẩy.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt ưu tiên cao nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các cân đối lớn, đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao.

Chính phủ tiến hành tổng kết, ban hành nhiều định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết, chiến lược quan trọng về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, công nghiệp hoá - hiện đại hoá, nông nghiệp..., phát triển và quy hoạch các vùng, địa phương và ngành, lĩnh vực, tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đã tiến hành giao ban định kỳ với các Cơ quan đại diện, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm đẩy mạnh triển khai công tác NGKT trên tinh thần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

{keywords}

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu 6 trọng tâm cho công tác NGKT trong năm 2023 đó là: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hoá Chỉ thị số 15 và Chương trình hành động của Chính phủ, nâng cao nhận thức về NGKT. Triển khai tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, xác định hợp tác kinh tế là nội hàm trung tâm, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong nước phục vụ cho phát triển. Đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng, hài hòa trong ứng xử quốc tế, nâng cao vị thế đất nước. Chú trọng, tăng cường nhạy bén và chuyên sâu trong nghiên cứu, dự báo, tham mưu phục vụ Chính phủ và đáp ứng nhu cầu trong nước. Đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất trong triển khai NGKT.

Tại hội nghị, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã thảo luận sâu rộng, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về NGKT trong năm 2023.

{keywords}

Đồng chí Mai Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Qua công tác ngoại giao vắc-xin cho thấy chúng ta có nhiều tiềm lực, quan trọng là phát huy tiềm lực này như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Bài học rút ra là cần có cách tiếp cận đúng, tiếp cận toàn cầu, tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể; đề cao chủ nghĩa đa phương, đặt lợi ích chung lên trên. Bám sát yêu cầu thực tiễn để có đối sách phù hợp. Xuất phát từ truyền thống văn hoá của dân tộc ta, công tác NGKT phải đề cao sự chân thành, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, bao dung; cùng đó là sự chia sẻ, thấu hiểu. Gắn kết chặt chẽ 3 trụ cột giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân. Qua mỗi thời kỳ, giai đoạn, lĩnh vực phải tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn, từ đó phát huy những mặt tích cực, lợi thế vận dụng vào công tác NGKT.

Thủ tướng chỉ đạo: Để triển khai tốt nội dung NGKT theo tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư cần gắn kết chặt chẽ giữa các nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm. Khi thực hiện có sự liên kết giữa Nhà nước-Nhà ngoại giao-doanh nghiệp và địa phương, bảo đảm lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Sau hội nghị này, các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện Chương trình hành động, vừa tổ chức thực hiện tốt Chương trình.

                                                                                                                 Thu Phong

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030
Mới đây, Ban Bí thư đã ban Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa Bắc Giang và Vân Nam (Trung Quốc)
(BGĐT) – Ngày 18/2, tại TP Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương tiếp, làm việc với đoàn công tác tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về tăng cường và thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai tỉnh.
Tiếp tục thực hiện kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Singapore ở tầm cao mới
Ngày 10/2, trước khi kết thúc chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong.
Bắc Giang: Công nghiệp bứt phá, là động lực tăng trưởng kinh tế
(BGĐT) - Năm 2022, sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong GRDP của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng ấn tượng (đạt hơn 30%), cao nhất từ trước đến nay.



Chia sẻ:
dua-hop-tac-kinh-te-tro-thanh-noi-dung-trung-tam-trong-hoat-dong-doi-ngoai.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...