Đưa giống, kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp: Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm
BẮC GIANG - Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, nhiều giống cây trồng, vật nuôi, quy trình kỹ thuật mới được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Nhiều cây trồng, vật nuôi chất lượng
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 130 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở trên các lĩnh vực; trong đó có 56 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn chung, các nhiệm vụ, đề tài, dự án đã bám sát thực tiễn sản xuất; tập trung vào việc bảo tồn gen, cải tạo giống, phát triển vùng trồng gắn với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa. Đơn cử như dự án khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng (DCG66, ST25…); xây dựng mô hình sản xuất dứa trái vụ; trồng giống cây mới (hoa trà my, tràm trà, cỏ xạ hương…); chọn lọc, bảo tồn, phát triển nguồn gen một số vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao (gà lông cằm, gà lục đinh…); các diện tích cây trồng lâu năm già cỗi được áp dụng giải pháp khoa học kỹ thuật để cải cạo, phòng trừ sâu bệnh hại (cam, quýt); một số nhiệm vụ hướng đến cải tiến công nghệ chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Cán bộ thực hiện dự án phát triển cây vú sữa kiểm tra giống trước khi trồng. |
Một trong những đề tài thể hiện rõ tính hiệu quả là “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng mô hình phát triển giống vú sữa huyện Tân Yên”. Vú sữa là loài cây được trồng tại huyện Tân Yên từ khá lâu (chủ yếu tại xã Hợp Đức). Nguồn mắt ghép nhân giống được khai thác trực tiếp từ các cây đầu dòng. Tuy nhiên, kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc mới chỉ được cơ quan chuyên môn nghiên cứu thực hiện trong thời gian ngắn nên vẫn còn một số hạn chế. Huyện Tân Yên xác định đây là cây tiềm năng của địa phương, vì thế, việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cho loại cây này là cần thiết.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 130 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cơ sở trên các lĩnh vực; trong đó 56 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Việc ứng dụng, nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án giúp tăng năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh. |
Nhằm đáp ứng mục tiêu trên, đầu năm 2021, UBND tỉnh đã đặt hàng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện đề tài ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình phát triển giống vú sữa huyện Tân Yên. Sau ba năm triển khai, nhóm tác giả đã hoàn thiện quy trình nhân giống vú sữa bằng phương pháp ghép; xây dựng vườn ươm quy mô 1 nghìn m2 để sản xuất 15 nghìn cây giống vú sữa khỏe, sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn xuất vườn; trồng mới 15 ha, tỷ lệ sống đạt hơn 95%; hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng thâm canh, bao gói, bảo quản vú sữa.
Quá trình thực hiện đề tài, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức thường xuyên phối hợp với nhóm tác giả. Ông Cường cho hay, một cây giống vú sữa (được tạo thành từ phương pháp ghép đúng thời điểm) có giá trung bình 70 nghìn đồng. Sau khoảng ba năm cho thu hoạch, ước tính đạt 10-15 tấn quả/ha (cao hơn 10-30% so với giống và kỹ thuật cũ). Đặc biệt, hợp tác xã còn được hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá; liên kết bao tiêu sản phẩm. Qua đó góp phần phát triển và tạo vùng sản xuất vú sữa hàng hóa tập trung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.
Mô hình trồng dưa chuột Maya của Trung tâm Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) cũng đem lại hiệu quả. Năm 2023, Trung tâm trồng với diện tích gần 500 m2 dưa chuột Maya trong nhà màng và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm nay, đơn vị tiếp tục trồng giống cây này tại diện tích trên. Cây dưa chuột Maya nhập giống từ Israel có ưu điểm tự thụ phấn; nguồn đất, nước, dinh dưỡng được quản lý đúng quy trình kỹ thuật. Mỗi năm, Trung tâm trồng 2 vụ, tổng sản lượng hơn 2 tấn; với giá bán từ 25-30 nghìn đồng/kg sẽ thu về từ 50-60 triệu đồng/năm. Thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng mô hình.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Bên cạnh những đề tài, dự án hiệu quả vẫn còn một số đề tài không thành công, phải dừng thực hiện do quá trình sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh; quá trình lai tạo con giống F1 không đạt các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật mà đề tài đặt ra từ ban đầu; một số cán bộ khoa học công nghệ có năng lực hạn chế… Cụ thể như các đề tài, dự án: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất con lai trĩ-gà tạo sản phẩm gia cầm mới do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, thực hiện tại huyện Hiệp Hòa, Yên Thế; mô hình sản xuất giống, dược liệu xạ can theo tiêu chuẩn GACP-WHO do Hợp tác xã Dược liệu Bổ Đà chủ trì, thực hiện tại thị xã Việt Yên...
Chia sẻ về kinh nghiệm trong thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Viện Thổ nhưỡng nông hóa (TP Hà Nội) cho rằng, ngoài lựa chọn nhiệm vụ sát thực tiễn, quá trình thực hiện phải quan tâm đến việc nâng tầm cho cây trồng, vật nuôi. Cụ thể là quan tâm hỗ trợ chế biến sâu; thiết kế bao bì, nhãn mác; cấp mã số, mã mạch, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; phát triển nhãn hiệu chứng nhận nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng thị trường; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Như trong giai đoạn 2021-2023, Viện Thổ nhưỡng nông hóa phối hợp thực hiện dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Trám đen Hiệp Hòa”. Kết quả, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm này. Qua đó góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Để nâng cao tính ứng dụng của các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục căn cứ đề xuất, đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, địa phương và văn bản chỉ đạo của Bộ KH&CN, của tỉnh để định hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học; lựa chọn những nhiệm vụ cần thiết, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ các doanh nghiệp. Cùng đó tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN; phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu kết quả nghiên cứu để áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)