Thứ bảy, 01/06/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tân Yên >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tân Yên ứng dụng kỹ thuật mới, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 14:57 ngày 22/03/2024
BẮC GIANG - Khai thác thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Tân Yên (Bắc Giang) quan tâm mở rộng diện tích những cây trồng có giá trị kinh tế cao, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào canh tác, xây dựng nhiều mô hình liên kết. Qua đó nâng cao thu nhập cho người dân. 

Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 5.170 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước. Để có được kết quả này, UBND huyện quan tâm chỉ đạo triển khai những mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC), sử dụng các cây, con giống mới có tiềm năng năng suất cao. 

{keywords}

Anh Nguyễn Văn Hằng, thôn Lãn Tranh (xã Liên Chung) sử dụng quạt guồng tạo ô-xy trong ao nuôi cá trắm đen.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai 4 mô hình thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt. Đó là mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt theo hướng nâng cao giá trị tại xã Lan Giới; nuôi lợn thịt an toàn sinh học tại xã Việt Ngọc; ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh tại xã Ngọc Thiện; nuôi cá trắm đen thâm canh trong ao tại thị trấn Cao Thượng và xã Liên Chung.

Mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt tại xã Lan Giới được triển khai từ tháng 9/2023, trên diện tích 18 ha, sử dụng giống ngô ngọt SW 1011, tỷ lệ nảy mầm đạt hơn 98%. Cây sinh trưởng khỏe; bắp to, đẹp; hạt ngon, mềm; được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngô cho thu hoạch sau khi trồng khoảng 90 ngày vào vụ đông (nếu vào những vụ khác từ 75-80 ngày). Giá bán ngô ngọt cao gấp đôi so với các loại ngô lấy hạt chăn nuôi. 

Mỗi sào ngô ngọt cho doanh thu khoảng 3,5 triệu đồng/vụ (tương đương với 94,5 triệu đồng/ha). Tại mô hình này, các hộ tham gia được cung cấp giống ngô bảo đảm chất lượng, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Toàn bộ ngô thương phẩm được một hợp tác xã (HTX) trên địa bàn bao tiêu theo hợp đồng. Trong canh tác, bà con sử dụng hệ thống phun thuốc bằng máy bay không người lái góp phần giảm chi phí sản xuất (tiết kiệm hơn 7 triệu đồng/ha so với sử dụng bình bơm tay), hạn chế việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Ngoài ra, thiết bị này còn có thể kết hợp gieo hạt, bón phân. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lan Giới cho biết: “Quy trình sản xuất, tiêu thụ khép kín như trên đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Từ hiệu quả mô hình, năm nay, xã tạo điều kiện cho các hộ thuê, mượn đất để mở rộng thêm 10 ha ngô ngọt. Qua đó từng bước xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung”.

Cùng với ngô ngọt, khi nuôi cá trắm đen thâm canh, một số hộ trong huyện cũng tập trung ứng dụng CNC. Từ tháng 9/2023, gia đình anh Nguyễn Văn Hằng, thôn Lãn Tranh, xã Liên Chung bắt đầu triển khai mô hình điểm nuôi cá trắm đen thâm canh trong ao. Gia đình anh được tư vấn thiết kế xây dựng ao nuôi đúng quy cách; trợ giá giống cá, thức ăn cho cá, chế phẩm sinh học. Những ngày thời tiết nồm ẩm vừa qua, gia đình anh được Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện cấp hóa chất khử trùng, hướng dẫn cách phòng ngừa sinh vật gây hại cho cá. 

Anh Hằng chia sẻ: “Tôi đã có 20 năm nuôi thủy sản. Gần đây, khi được các cán bộ khuyến nông tư vấn về mô hình thâm canh cá trắm đen, tôi đã tham gia. Trên diện tích ao 0,5 ha, tôi thả 5 nghìn con cá giống. Hiện tôi đã đầu tư mua máy cho cá ăn, sử dụng một quạt guồng tạo ô -xy, tạo dòng chảy cho cá hình thành thói quen bơi ngược dòng liên tục, giúp hấp thụ tốt thức ăn. Đến thời điểm này, mỗi con cá có trọng lượng khoảng 1,2 -1,5 kg, đạt tiêu chuẩn đề ra. Tôi dự kiến nuôi trong ba năm, khi cá đạt trọng lượng khoảng 3-3,5 kg/con sẽ đánh bắt. Căn cứ giá bán trên thị trường cũng như mức tiêu thụ thức ăn, thời gian nuôi, nuôi thâm canh cá trắm đen cho hiệu quả cao hơn 2-3 lần so với các loại cá truyền thống”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện duy trì 72 mô hình CNC sản xuất rau, hoa, quả trong nhà lưới, nhà màng, tưới nước tự động trên cây ăn quả; ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh hại lúa, vải thiều... Những mô hình này khẳng định hiệu quả rõ nét, tạo tiền đề để huyện tiếp tục mở rộng. Tiêu biểu như mô hình trồng dưa bao tử, dưa chuột thương phẩm doanh thu từ 210-230 triệu đồng/ha/năm; ớt 200 triệu đồng/ha/năm; lạc 120-125 triệu đồng/ha/năm... 

Năm 2024, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn phối hợp với đơn vị chuyên môn khảo sát, tư vấn, hướng dẫn người dân lựa chọn đối tượng sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện quan tâm kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Đây là bước chuyển quan trọng giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 19 doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau quả thực phẩm và chế biến. Để chuỗi liên kết phát huy hiệu quả, UBND huyện tiếp tục đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi; hình thành các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. 

Huyện bố trí kinh phí hỗ trợ 50% giống, phân bón, một phần thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân tham gia liên kết. Chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các hộ thành lập mô hình liên kết; bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng quản lý cho giám đốc các HTX, năng lực sản xuất cho các hộ dân tham gia. Xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các tập thể, cá nhân thực hiện các dự án ứng dụng CNC.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, thời gian tới, huyện tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực theo quy trình sản xuất tiên tiến VietGAP, Global GAP, ứng dụng CNC. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện. Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; phấn đấu trong năm nay có thêm 10 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Lục Nam: Sản xuất nông nghiệp tập trung, tăng hiệu quả kinh tế
BẮC GIANG - Với lợi thế về đất đai, huyện Lục Nam đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào sản xuất đại trà. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng và giá trị của nông sản được nâng lên.
Bắc Giang: Thay đổi tư duy, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ
(BGĐT) - Thực hiện Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ (NNHC), UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Đề án xây dựng mô hình sản xuất NNHC giai đoạn 2020-2025. Sau hơn 3 năm triển khai, sản xuất NNHC đã phát huy hiệu quả, được nông dân trong tỉnh lựa chọn. 
Kết hợp kinh nghiệm với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp
Sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc VNUA – 2022" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Bắc Giang nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh
(BGĐT) - Với lợi thế về chất lượng, sản phẩm được bán giá cao, thân thiện với môi trường, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã, đang trở thành xu thế tất yếu, được nông dân trong tỉnh Bắc Giang lựa chọn. Đồng hành cùng người dân, ngành Nông nghiệp tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện các mô hình, góp phần lan tỏa trong cộng đồng.


Chia sẻ:
Chủ đề:
    tan-yen-ung-dung-ky-thuat-moi-tang-hieu-qua-san-xuat-nong-nghiep.bbg

    Ý kiến bạn đọc (0)

    Bình luận của bạn...