Du khách xông đất Đà Nẵng, Quảng Ninh
Sở Du lịch cùng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tặng quà du khách trong tiếng trống, chiêng và điệu múa lân vui nhộn.
Đưa con hơn 3 tháng tuổi từ TP HCM về quê nội ở quận Hải Châu ăn Tết, chị Nguyễn Thanh Huyền (35 tuổi, quê gốc Hà Nội) chia sẻ rất vui khi được chào đón nồng nhiệt. "Một năm rồi dịch bệnh phức tạp, không về thăm gia đình được nên chúng tôi quyết định Tết phải về", chị Huyền nói.
Đoàn khách xông đất đầu năm Nhâm Dần. |
Gia đình mang theo ít hành lý, đeo khẩu trang và chọn mùng 1 Tết ít người đi để đặt vé máy bay. "Những ngày khác đông quá, gia đình lại có con nhỏ nên không dám đi", chị nói và cho biết những ngày về quê chồng sẽ tranh thủ thăm hỏi bà con, họ hàng và du xuân.
Gia đình anh Lê Thanh Hòa (40 tuổi) đi Đà Nẵng du lịch 4 ngày. Bốn người thuê một resort ven biển Ngũ Hành Sơn ở lại. Ngoài thăm thú Đà Nẵng, gia đình anh còn dự định vào Hội An, Quảng Nam. "Năm nào tôi cũng đi du lịch Đà Nẵng và rất thích thành phố có tốc độ phát triển nhanh, người dân thân thiện", anh nói.
Anh Hòa từng trải qua đợt dịch ở TP HCM nên tâm lý không còn lo lắng khi đến Đà Nẵng, dù những ngày gần đây thành phố hơn 1,134 triệu dân thường ghi nhận gần 900 F0 mỗi ngày.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đánh giá sự kiện đầu năm nay cho thấy tình cảm rất đặc biệt của du khách dành cho Đà Nẵng. "Chúng tôi hy vọng năm 2022, Đà Nẵng sẽ tiếp tục là lựa chọn thường xuyên của du khách trong và ngoài nước", ông Bình nói.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại địa phương, ông Bình cho biết ngành du lịch sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để bảo đảm việc phòng, chống dịch, đồng thời cũng tạo điều kiện để người dân và du khách tham quan, thực hiện "mục tiêu kép" vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế.
Định hướng thời gian tới, ngoài các sản phẩm du lịch hiện có, ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành cơ chế, chính sách tái cơ cấu về sản phẩm cũng như thị trường du lịch, trong đó tập trung vào dòng sản phẩm chất lượng cao để thu hút khách có sức chi trả cao; thu hút du lịch Mike, du lịch học đường, thể thao và golf.
Sau khi mở cửa du lịch, Đà Nẵng đang tăng cường các đường bay nội địa và hiện khai thác 8 đường bay với tần suất 218 chuyến/tuần gồm: TP HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Buôn Mê Thuột, Hải Phòng, Cần Thơ đi/đến Đà Nẵng. Trong dịp Tết Nguyên đán (ngày 29/1-6/2), tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng dự kiến 404 với 44.055 khách.
Cũng trong sáng 1/2, 126 hành khách, trong đó có nhiều người đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản đã xông đất sân bay Vôn Đồn, Quảng Ninh. Hành khách đeo khẩu trang, khai báo y tế và được quét thân nhiệt bằng máy đo tự động.
"Sau hơn 2 năm xảy ra dịch Covid-19, hôm nay cả nhà mới có cơ hội về quê ăn Tết. Về đến quê nhà, tôi bất ngờ khi là một trong những hàng khách đầu tiên đáp xuống Sân bay Vân Đồn trong ngày đầu năm mới", chị Thủy, 45 tuổi, ở TP Hạ Long, nói.
Tại buổi đón tiếp, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã tặng hoa, lì xì đầu năm kèm lời chúc tốt đẹp tới hành khách và cán bộ, nhân viên, phi hành đoàn làm nhiệm vụ trong sáng mùng 1 Tết.
Sân bay Vân Đồn được mở cửa trở lại từ khi thực hiện Nghị quyết 128 của Thủ tướng. Hiện hai hãng Vietjet Air và Bamboo Airways khai thác đường bay TP HCM - Vân Đồn và ngược lại. Lượng khách mỗi chuyến đạt khoảng 70% số ghế. Hành khách được miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử; giảm giá dịch vụ tại một số điểm vui chơi, tham quan, khu nghỉ dưỡng...
Sáng cùng ngày, tại cảng Cẩm Phả, Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả phối hợp với Công ty tuyển than Cửa Ông đã rót trên 26.000 tấn than cho 2 tàu "xông cảng" đầu năm mới Nhâm Dần 2022. Cảng đã rót 22.900 tấn than cám cho tàu Việt Thuận 235-01 theo hợp đồng tiêu thụ cho chi nhánh Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh và rót 3.150 tấn than cám cho tàu Vinacomin 05 chở đi cho khách hàng là Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)