Đổi thay ở Hồ Lương
Chia sẻ về những đổi thay nơi đây, ông Nông Văn Sắc, Trưởng thôn nói: Đầu năm 2019, sau khi UBND xã triển khai chương trình hỗ trợ xi măng làm đường theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, ban lãnh đạo thôn đã tổ chức họp dân tuyên truyền, giải thích rõ chủ trương để bà con đồng thuận.
Đường trục thôn Hồ Lương vừa được cứng hóa. |
Nhằm hoàn thành 1,5 km đường trục thôn, thôn đã chia nhỏ những tuyến đường và phân công các tổ liên gia vận động kinh phí; đồng thời đôn đốc giải phóng mặt bằng, thi công công trình và quản lý sau khi hoàn thành. Dù đời sống bà con còn nhiều khó khăn song ai nấy đều nhất trí đóng góp cho công trình với mức 700 nghìn đồng/khẩu. Ngoài ra 17 hộ dân trong thôn còn hiến 1,5 nghìn m2 đất thổ cư, đất ruộng xây dựng NTM. Bà Trịnh Thị Mận chia sẻ: “Trước đây đường đất, đi lại khó khăn, nhất là vụ thu hoạch hoa quả. Do vậy khi có chủ trương làm đường, tôi quyết định phá vườn cây ăn quả, hiến 20m2 đất thổ cư để thôn mở rộng mặt đường giúp bà con đi lại thuận tiện”. Bằng cách làm đó, trong năm nay, thôn đã cứng hóa gần 3 km đường trục thôn và đường ngõ.
Ngoài ra thôn cũng thường xuyên vận động bà con chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bằng cách khai thác tốt lợi thế trồng vải thiều, dứa và ổi. Trong đó chú trọng vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên. Kinh tế người dân khá lên, số hộ nghèo hằng năm giảm. Năm 2019, thôn còn 20 hộ nghèo, giảm 8 hộ so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 34 triệu đồng/người/năm.
Hồ Lương có 217 hộ với 70% bà con dân tộc Tày, Nùng nên trước đây các hủ tục về việc tang như chèo đò, khóc mướn, cúng trâu, bò... vẫn còn. Để thực hiện hiệu quả nếp sống văn hóa, lãnh đạo thôn đã tuyên truyền các quy định mới tới người dân và xây dựng thành quy chế của thôn niêm yết tại nhà văn hóa. Nhờ đó đến nay, việc tang của nhân dân có những chuyển biến rõ rệt. Với những kết quả đó, Hồ Lương là một thôn điển hình trong cuộc vận động xây dựng NTM của xã.
Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)