Đổi mới giáo dục chính trị ở Lữ đoàn 164
BẮC GIANG - Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quân đội. Lữ đoàn 164 (Quân đoàn 12) đã có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục chính trị, tạo tiền đề để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Chỉ thị số 124, ngày 31/3/2011 của Thường vụ Quân ủy T.Ư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới, Lữ đoàn 164 xác định 4 khâu đột phá đó là: Đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy; đổi mới quản lý, kiểm tra, phúc tra đánh giá kết quả; bảo đảm và quản lý, sử dụng tốt trang bị phục vụ công tác giáo dục chính trị.
Công tác giáo dục chính trị luôn được Lữ đoàn 164 quan tâm. |
Thực tế trước đây, công tác giáo dục chính trị ở đơn vị thường thiếu sự tương tác giữa người dạy và người học. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy thiếu, cán bộ ít sử dụng giáo án điện tử. Từ thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra phương châm “muốn công tác giáo dục chính trị tốt, trước hết phải có đội ngũ cán bộ chính trị giỏi, có năng lực thực hành tốt”. Đơn vị đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị có kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm tốt, có tâm huyết, trách nhiệm cao. Đơn vị chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ vào giảng dạy, biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu giảng dạy có chất lượng.
Tham quan buổi huấn luyện chính trị tại đơn vị, chúng tôi được dự lớp học do Trung úy Đỗ Trung Đức, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 giảng dạy. Các nội dung bài giảng đều được sử dụng giáo án điện tử kết hợp với hiện vật, hình ảnh minh họa. Thông qua các hình ảnh, video giúp học viên hình dung ra ngay các hoạt động liên quan đến nội dung bài học. Đặc biệt, cuối buổi học, chiến sĩ được tham gia trò chơi "vòng quay trí tuệ" nhằm tổng hợp các kiến thức đã học. Với các câu hỏi tập trung vào lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, truyền thống quân đội, Quân đoàn 12 và đơn vị…, các chiến sĩ đã sôi nổi tham gia vòng quay chọn câu hỏi ngẫu nhiên để trả lời.
Binh nhất Lê Đình Thành, Đại đội 1 chia sẻ: “Các buổi học được tổ chức kết hợp trò chơi giúp người học hứng thú với những kiến thức được tiếp thu, dễ nhớ, đồng thời đây cũng là cách bổ sung những nội dung còn thiếu và yếu cho chiến sĩ”. Cùng với sử dụng giáo án điện tử, tổ chức trò chơi, Lữ đoàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống bài giảng mẫu, dựng thành video, biên tập thành bản ghi âm, sổ tay nhận thức cho bộ đội trong những đợt hành quân huấn luyện, dã ngoại làm công tác dân vận.
Với sự quan tâm, đầu tư về phương tiện, cơ sở vật chất cho dạy và học, chương trình, nội dung đã có sự đổi mới toàn diện, gắn lý thuyết với thực tiễn. Việc biên soạn tài liệu được đẩy mạnh ở tất cả các cấp với hàng chục chuyên đề, bài giảng do đơn vị tự xác định và các tài liệu bổ trợ. Đơn vị cũng chủ động kiện toàn tổ cán bộ giảng dạy chính trị, tổ chức các đợt hội thi báo cáo viên giỏi, cán bộ giảng dạy chính trị giỏi. Qua đó lựa chọn những cán bộ tham gia các đợt thi cấp Quân đoàn đạt kết quả tốt. Ngoài ra, đơn vị chú trọng công tác kiểm tra nội dung giáo dục của các đối tượng trong đơn vị, từ đó có biện pháp uốn nắn kịp thời những tồn tại hạn chế.
Đại tá Lê Đình Trường, Chính ủy Lữ đoàn 164 cho biết: Cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị giỏi, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục tại đơn vị theo phân cấp quản lý. Lấy kết quả kiểm tra nhận thức chính trị hằng năm của cá nhân làm một trong những tiêu chí để xem xét đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên và quần chúng. Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục chính trị, Lữ đoàn tập trung đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp và các yếu tố bảo đảm. Qua thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị góp phần xây dựng lập trường, tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)