Lữ đoàn pháo binh 164 (Quân đoàn 2): Tiếp nối truyền thống thần tốc, táo bạo, quyết thắng
Cắt đứt cuộc rút chạy đường không của địch
Sau khi tham gia giải phóng tỉnh Thừa Thiên và Đà Nẵng, ngày 4/4/1975, Lữ đoàn 164 nhận nhiệm vụ tham gia trận đánh giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Sau khi nhận nhiệm vụ, ngày 10/4/1975, đội hình hành quân của Lữ đoàn xuất phát gồm 114 xe kéo các loại pháo 130 mm; 155 mm; 122 mm - D74.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 164 tham gia diễn tập bắn đạn thật. |
Trên quãng đường gần 1.000 km từ Đà Nẵng vào Xuân Lộc, Lữ đoàn qua nhiều tỉnh, vùng mới giải phóng, trong điều kiện chuẩn bị gấp, đội hình phân tán, giao thông khó khăn, phải vượt qua 50 con sông, 569 cầu và ngầm, vừa đi vừa đánh địch. Nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đơn vị đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc trong 14 ngày đêm, đến ngày 24/4, toàn bộ đội hình Lữ đoàn đã vào vị trí tập kết cuối cùng, bảo đảm bí mật, an toàn, sẵn sàng bước vào chiến dịch.
17 giờ ngày 26/4, Lữ đoàn nổ súng mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các Tiểu đoàn pháo của Lữ đoàn bắn mãnh liệt 40 phút vào các mục tiêu trên chính diện hướng tiến công của ta, khiến cho các cụm quân địch nằm trên tuyến phòng ngự vòng ngoài đều bị chế áp và rối loạn. Những ngày sau đó, Lữ đoàn tiếp tục chi viện cho bộ binh đánh địch như bắn chặn quân địch ở Gia Bình, chế áp pháo binh địch ở sông Buông, ấp Hàm Luông, Phước Kha, Long Bình, Nhơn Trạch… làm cho địch buộc phải rút chạy.
Kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Lữ đoàn được Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân đoàn đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng cờ “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến, toàn thắng". |
Ngày 29/4, Lữ đoàn được lệnh tham gia tổng công kích vào Sài Gòn, đúng 4 giờ 30 phút, khẩu đội 2, do đồng chí Nguyễn Văn Biên chỉ huy bắn quả đạn đầu tiên vào sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp đó Tiểu đoàn 3 đồng loạt nổ súng. Sân bay địch hoàn toàn bị tê liệt, cắt đứt cuộc rút chạy đường không của địch. Sau khi 304 viên đạn pháo hạng nặng 130 mm của Lữ đoàn vừa dứt ở sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng hỗn hợp thọc sâu của Quân đoàn đã tiến đến cầu Xa Lộ.
Đại đội pháo 5 và 13 được lệnh cơ động lên phía trước 15 km tiếp tục áp chế pháo binh địch ở phía Tây cầu Sài Gòn, phía Nam Long Bình tiêu diệt 4 mục tiêu của địch, bắn cháy 4 xe tăng, chi viện hỏa lực cho bộ binh, xe tăng tiến công tiêu diệt căn cứ sào huyệt cuối cùng của quân Ngụy.
11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Lữ đoàn được Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân đoàn đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng cờ “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến, toàn thắng".
Sẵn sàng chiến đấu cao
Tiếp bước cha anh, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 164 hôm nay luôn phát huy truyền thống “chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”, nỗ lực vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện rèn. Tại thao trường, trong bộ quân phục dã chiến, những pháo thủ của Lữ đoàn đang miệt mài thực hành huấn luyện pháo 130 mm-M46, đây là vũ khí được mệnh danh là “voi thép”, có tầm bắn lên đến 27,4 km với độ chính xác cao.
Ngay sau hiệu lệnh của cấp trên, mỗi khẩu đội gồm 7 pháo thủ và được chia số thứ tự rõ ràng nhanh chóng vào đúng vị trí. Tất cả chiến sĩ tập trung cao độ cho bài tập “Khẩu đội chấp hành khẩu lệnh bắn”. Các vị trí thực hành điều chỉnh hướng ngắm, mở khóa nòng, chuẩn bị đạn, liều phóng, nạp đạn, bắn… trong thời gian 1 phút, các thao tác được thực hiện liên tiếp tương ứng với 4 quả đạn được bắn ra. Mới ngày nào còn bỡ ngỡ với pháo 130 mm-M46, đến nay Trung sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 đã thành thục trong từng thao tác.
Trung sĩ Mạnh cho biết: “Đây là loại pháo cấp chiến dịch, cỡ nòng lớn, khối lượng gần 8 tấn, trọng lượng đạn và liều phóng lên đến 60 kg. Với vũ khí, khí tài trang bị nặng nề, cồng kềnh, thao tác phức tạp, đòi hỏi tính hiệp đồng cao. Vì thế, chúng tôi luôn tập trung cao độ khi luyện tập, để bảo đảm an toàn, chính xác".
Để nâng cao hiệu quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn luôn chọn đúng khâu đột phá, giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu. Chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ mô hình, học cụ, giáo án; tu sửa, củng cố hệ thống công sự, trận địa, thao trường, bãi tập.
Lữ đoàn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; lấy huấn luyện cán bộ chỉ huy, cơ quan là trọng tâm, phân đội làm then chốt. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực, huấn luyện theo nhiệm vụ, tình huống. Nhờ vậy, nhiều năm liền cấp trên kiểm tra, phúc tra đánh giá kết quả huấn luyện đơn vị đều đạt điểm giỏi; tham gia các hội thi, hội thao đều giành giải cao.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thụ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 164, trong thời gian tới, đơn vị bám sát kế hoạch, hướng dẫn, sự chỉ đạo của cấp trên, tổ chức huấn luyện thống nhất, khoa học, phù hợp với từng đối tượng, sát đối tượng tác chiến. Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào huấn luyện vũ khí, khí tài trang bị có trong biên chế, vũ khí, khí tài mới.
Cùng đó, chú trọng xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu theo phân cấp; thường xuyên thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan trong chỉ đạo; tổ chức và điều hành huấn luyện, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả phù hợp tình hình nhiệm vụ.
Bài, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)