Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi khi Việt Nam tham gia CPTPP
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng TPP. |
Tại Hội nghị Bộ trưởng TPP ở Đà Nẵng, các Bộ trưởng cũng thống nhất tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhân dịp này, phóng viên đã phỏng vấn Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada (APFC) Stewart Beck.
Các nhà đàm phán của 11 nước vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ về CPTPP. Ông có suy nghĩ gì trước thông tin này?
Tôi nghĩ rằng việc chúng ta có thể thúc đẩy để đạt được thỏa thuận là một dấu hiệu tích cực cho thấy toàn cầu hóa có thể tiếp tục và thỏa thuận này có thể đưa nền kinh tế như Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới.
Điều gây chú ý đối với tôi đó là đà tăng trưởng kinh tế mà tôi đang chứng kiến ở Việt Nam và phần lớn là kết quả của việc tiếp cận thị trường toàn cầu. Vì vậy, bất kỳ điều gì giúp giảm bớt hàng rào thương mại đều quan trọng.
Ông có thể cho biết Canada kỳ vọng gì từ CPTPP?
Chúng tôi có quan hệ thương mại tốt với Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại có những vấn đề giữa Canada, Mỹ và Mexico xung quanh Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Vì vậy, tôi nghĩ việc khai phá các thị trường ở châu Á là rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi phải đa dạng hóa thị trường.
Với hơn 35 triệu dân, Canada là đất nước nhỏ nhưng chúng tôi lại có nền kinh tế lớn. Các thị trường quốc tế thực sự rất quan trọng. Trong đó, Nhật Bản là cực kỳ quan trọng bởi vì chúng tôi không có hiệp định thương mại tự do (FTA) với nước này. Đó là thị trường lớn đối với chúng tôi. Và chúng tôi phải trở nên cạnh tranh trên thị trường này.
TPP sẽ giúp xóa bỏ các rào cản thương mại chủ chốt cho nông sản - hàng hóa mà chúng tôi xuất khẩu. Chúng tôi cũng có thể tiếp cận thị trường Việt Nam một cách dễ dàng hơn. Đó có thể là một điều cực kỳ quan trọng. Việt Nam là một thị trường lớn với 110 triệu dân; trong đó giới thanh niên chiếm tỷ lệ lớn và đang tăng trưởng nhanh… Đó là một trong những lý do vì sao tôi hy vọng chúng ta sẽ có thỏa thuận mới.
Theo ông, thỏa thuận mới này mang lại cơ hội và thách thức gì cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam?
Tôi nghĩ Việt Nam là một nước xuất khẩu lớn về nông sản, hải sản, dệt may và nhiều sản phẩm chế biến. Vì vậy, các DN xuất khẩu sẽ hưởng lợi khi Việt Nam tham gia CPTPP. Canada có cơ cấu thuế nhập khẩu khá thấp, nhưng tôi không biết liệu đó có phải là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam hay không bởi vì tại thời điểm hiện nay, các DN Việt Nam đã làm khá tốt ở Canada…
Theo ông, các DN Việt Nam cần làm gì để tận dụng các cơ hội mà CPTPP mang lại?
Tôi nghĩ các DN Việt Nam cần xây dựng chiến lược tiếp cận vào những thị trường tốt hơn. Bây giờ đã có 11 thị trường nên sẽ rất dễ cho hoạt động kinh doanh. Các DN phải tính toán làm thế nào để điều chỉnh sản phẩm phù hợp với những thị trường khác nhau và các sản phẩm này sẽ được đón nhận như thế nào ở các thị trường như Canada, Australia và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các DN Việt cũng cần tìm hiểu về văn hóa và giá cả ở các thị trường đó, đồng thời cần tiến hành điều tra thăm dò thị trường… Có một chiến lược tốt và không ngại kinh doanh ở thị trường Bắc Mỹ chính là cơ hội của các DN Việt.
Canada có rất nhiều FTA. Thách thức luôn là làm thế nào để khuyến khích các DN đến các thị trường đó và tiến hành hoạt động kinh doanh. Đàm phán kết thúc, chính phủ đã hoàn thành công việc của mình, còn khu vực tư nhân phải hiện thực hóa các thỏa thuận đó. Vì vậy, các DN cần phải xông xáo và hiểu rõ các cơ hội của mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)