Doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh
BẮC GIANG - Thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đang tập trung khắc phục hậu quả để nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh.
HTX Sao Thần Nông (Yên Dũng) là một trong những đơn vị bị thiệt hại nặng do bão lũ. Bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc HTX cho biết: “Trong bão số 3 có gió rất mạnh và gây mưa lớn nên nhiều diện tích hoa màu của HTX bị ngập nước và gãy, đổ. Nhà kho chứa thóc giống, phân bón bị tốc mái. Ngay sau bão, đơn vị đã thuê thợ sửa chữa lại mái nhà kho. Đồng thời huy động máy móc, nhân công dọn vệ sinh đồng ruộng để trồng lại lứa rau mới. HTX trồng chủ yếu là rau ngắn ngày để nhanh cho thu hoạch, kịp thời trồng vụ khoai tây đông”.
Công nhân Công ty TNHH Xây dựng phát triển Long Dương và người dân xã Hòa Sơn dựng lại cây xanh. |
Công ty TNHH Xây dựng phát triển Long Dương, thôn Hương Sơn, xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa) cũng là một trong những đơn vị bị thiệt hại nặng do bão. Đây là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Thời gian qua, Công ty đã xây dựng khu sinh thái nghỉ dưỡng để kinh doanh du lịch. Bão số 3 đã làm thiệt hại hàng trăm cây xanh, cuốn trôi đồ đạc, hư hỏng hệ thống điện chiếu sáng, camera, tràn ao nuôi thủy sản… Hiện nước rút đến đâu, Công ty huy động nhân lực dọn bùn đất đến đó, dự kiến mất khoảng một tháng mới có thể hoạt động trở lại. Đối với cây xanh, cây cảnh bị đổ có khả năng phục hồi thì sẽ dựng lại, buộc vào cột.
Theo đại diện lãnh đạo DN, do thiệt hại nặng nề nên đơn vị gặp nhiều khó khăn. DN đề nghị được xem xét hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, giãn thời gian nộp thuế để có thêm nguồn lực đầu tư tái thiết hoạt động kinh doanh. Tương tự, HTX Du lịch Đồng Dao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cũng đang tập trung khắc phục hậu quả sau mưa bão.
Thống kê sơ bộ, trong tỉnh có hàng chục DN nhỏ, HTX bị ảnh hưởng do bão số 3, thiệt hại nặng về kinh tế, tập trung nhiều ở các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Dũng, Hiệp Hòa và thị xã Việt Yên. Điểm chung của các đơn vị này là đều gặp khó khăn về nhân lực, vốn để đầu tư phục hồi. Thậm chí có nhiều đơn vị đang vay vốn tại ngân hàng, sắp đến kỳ đáo hạn nhưng khó có thể trả nợ ngay.
Theo ngành Thuế, hết ngày 16/9, cơ quan thuế đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của 882 người nộp thuế. Số tiền thuế đề nghị gia hạn hơn 230 tỷ đồng. |
Trước thực trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng khẩn trương vào cuộc hỗ trợ người dân, DN sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thực hiện Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội, thời điểm này, ngành Thuế tỉnh đang rà soát để giảm thuế cho các DN theo quy định, nhất là các công ty, HTX bị ảnh hưởng sau bão.
Hết tháng 8/2024, toàn tỉnh có 4.343 DN được giảm thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền hơn 727 tỷ đồng. Cùng với đó, ngành Thuế tỉnh thực hiện Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/06/2024 của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024. Hết ngày 16/9, cơ quan thuế đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của 882 người nộp thuế. Số tiền thuế đề nghị gia hạn hơn 230 tỷ đồng.
Không chỉ ngành Thuế, ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, trước thiệt hại của mưa bão, Ngân hàng đã ban hành văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trong tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3. Theo đó, đơn vị yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như: Cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện chủ trương trên, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Bắc Giang II đang khẩn trương rà soát các trường hợp bị thiệt hại, phấn đấu xong trong tháng 9 để thực hiện giãn thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất đối với khoản đang vay theo quy định. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh... cũng đang thống kê các tổ chức, DN bị thiệt hại để áp dụng chính sách hỗ trợ về vốn vay với lãi suất phù hợp.
UBND các huyện: Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Yên Dũng, thị xã Việt Yên đã giao cho phòng chức năng rà soát thiệt hại của các tổ chức, DN. Đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng hỗ trợ các công ty, HTX khẩn trương vệ sinh môi trường, sắp xếp lại đồ đạc, dựng lại cây xanh, sửa chữa nhà xưởng sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc (0)