Điều chưa biết về gia cảnh đối tượng người Bắc Giang "cõng" 19 bánh heroin
Ngày đông lạnh giá, gió rít lên qua những quả đồi thưa thớt người ở. Trung tá Trần Văn Mạnh, Trưởng Công an xã Canh Nậu đưa chúng tôi đến bản Chay - nơi Trần Xuân Minh đăng ký hộ khẩu thường trú.
Tuy nhiên, theo hồ sơ quản lý của xã, từ năm 2009, vợ chồng Minh và 3 con trai đều chuyển lên tỉnh Lạng Sơn sinh sống. Tại địa phương, đối tượng chưa từng có tiền án, tiền sự; vừa mua một xe bán tải mới trị giá gần 1 tỷ đồng.
Đường vào bản Chay, xã Canh Nậu. |
Đến bản Chay, chúng tôi dừng lại trước cổng một căn nhà cấp 4 nằm chênh chếch trên sườn đồi, xung quanh ngổn ngang vật liệu xây dựng, có mấy người đang ngồi đốt củi nướng sắn ăn. Thấy có người lạ, một người trong nhóm vội đứng dậy mời chúng tôi vào trong nhà cho ấm. Gặp một phụ nữ đã luống tuổi, tôi có thiện cảm với bà ngay từ phút đầu gặp gỡ với nụ cười hiền hậu và lời mời uống nước thân thiện. Hỏi ra thì biết bà là Trần Thị Kiệm (SN 1950) - mẹ của Trần Xuân Minh. Tôi chợt nghĩ không biết bà đã hay tin con trai vừa bị bắt vì ma túy hay chưa?
Nhìn quanh nhà, bên trong không có gì gọi là dư dả. Thấy trên tường có treo mấy bức ảnh cưới, tôi hỏi: “Kia là ảnh cưới của anh Minh phải không bà”. Nhắc đến tên Minh, một người đàn ông lết lại gần tôi giơ tay lên ú ớ: “Bị bắt rồi, ma túy, bị bắt hôm nọ rồi”.
Bà Kiệm đỡ ông lên rồi buồn rầu: Ông ấy (chồng - Trần Hữu Quảng, sinh năm 1944) là cựu thanh niên xung phong, bị tai biến đã 3 năm nay, liệt nửa người, mồm méo, chân tay đuỗn ra. Bữa ăn nào tôi cũng phải bón cho từng thìa cơm. Bây giờ mỗi tháng được nhà nước trợ cấp cho 670 nghìn đồng. Hôm nghe tin thằng Minh bị bắt vì ma túy, ông ấy cũng sốc lắm, chả ăn ngủ gì; trời rét cắt da cắt thịt mà ông ấy nhất định chỉ vận mỗi chiếc quần đùi và áo mỏng, giật giật từng bước từ nhà ra sân rồi lại từ sân đi vào, miệng lúc nào cũng “chết, chết”.
Đối tượng Trần Xuân Minh (giữa) vận chuyển 19 bánh heroin bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ ngày 15/12. |
Nhắc đến Minh, bà Kiệm mắt ầng ậc nước, giọng nghẹn lại: “Nó có ở đây đâu, vợ chồng con cái lên Lạng Sơn làm ăn sinh sống từ lâu rồi. Tôi cũng mới biết tin nó bị bắt vì mang nhiều ma túy lắm, ở đâu tận trong Nghệ An cơ. Người ta đưa lên báo rồi, đứa cháu gái gọi điện cho tôi, chứ tôi nào có biết gì đâu. Nhìn ảnh thì đúng là nó rồi, khổ lắm”.
Được biết, Trần Xuân Minh là con cả trong gia đình có 4 anh em (3 trai, 1 gái). Em gái út lấy chồng người Trung Quốc, nay sinh sống ở Hà Nội. Hai em trai đều làm nông nghiệp ở quê. Học hết lớp 7, Minh nghỉ ở nhà làm nương đi rừng rồi lấy vợ, sinh được 3 con trai lần lượt vào các năm 1990, 1993 và 1999. Cả ba đều đã có vợ, có con và sống ở tỉnh Lạng Sơn.
Bà Kiệm cho biết thêm: “Minh thuê ki- ốt ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh vừa làm nơi ở, vừa mổ gà vịt bán hàng ngày. Vợ là Đỗ Thị Phượng (SN 1969) cũng theo chồng lên đó. Vợ nó bị bệnh tim có làm được gì đâu, ra đồng mấy lần ngất lên ngất xuống. Lên đấy cũng chỉ phụ giúp chồng muối dưa, muối cà bán cùng. Cuộc sống cũng túng lắm, được đồng nào chi trả gia đình con cái, vợ đau ốm. Nhà trên Lạng Sơn là vẫn thuê đấy chứ, có mua được gì đâu. Tôi lên trên đấy với chúng nó mấy lần rồi”.
Tang vật 19 bánh heroin. |
Nói rồi bà chỉ sang ngôi nhà bên cạnh là của vợ chồng Minh vẫn để trống, không ai ở, cạnh nữa là nhà của người em trai.
“Tôi có 4 đứa con nhưng chả ở chung với đứa nào, vợ chồng già ăn riêng ở riêng. Thỉnh thoảng thằng Minh mới về thăm nhà, mỗi năm chỉ đôi lần thôi. Nhưng đận tháng 10 vừa rồi, thấy nó hay về, chắc cũng phải 4, 5 lần gì đó. Nó bảo con về thăm bố ốm và sửa nhà, sửa cổng cho khang trang. Giờ nó bị bắt rồi, nhà cửa dang dở thế này tôi cũng cứ bảo thợ sửa cho xong, tiền công cán cho tôi chịu trả dần, chứ vợ chồng già rồi có làm gì ra tiền đâu”.
Bà nói thêm: Bố mẹ giàu con có, bố mẹ khó con chẳng có gì. Vợ chồng tôi chẳng có gì cho con mà nó cũng có gì cho tôi đâu. Cô cứ nhìn nhà tôi thì biết. Nghĩ mà buốt ruột về con, rét mướt thế này, đêm hôm có chăn để đắp hay không, thương con và cũng giận nó”.
Tôi thầm nghĩ: Nếu số lượng 19 bánh heroin này tiêu thụ trót lọt đến tay các con nghiện thì hậu quả sẽ khủng khiếp thế nào? Và cái kết cục bi thảm, hình phạt thích đáng nhất cho những đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển “cái chết trắng” ra sao pháp luật đã quy định rõ. Ở trong trại tạm giam, Trần Xuân Minh sẽ nghĩ thế nào khi ở bản xa nơi quê nhà, cha mẹ già, người thân đang từng ngày, từng giờ mong y thành khẩn khai báo tội lỗi do mình gây ra.
Nhóm phóng viên nội chính
Ý kiến bạn đọc (0)