Dịch vụ đưa đón công nhân bằng ô tô: Rủi ro từ phương tiện cũ, không phù hiệu
Nỗi khổ của công nhân
17 giờ ngày 17-10, chúng tôi có mặt tại KCN Vân Trung (Việt Yên). Chỉ trong chưa đầy 15 phút đã có khoảng 30 lượt xe khách mang biển kiểm soát ngoại tỉnh như: 29B, 30F, 30K, 14M, 34B, 53N, 99B, 35B, 15B… xuất hiện. Không ít xe còn nguyên dòng chữ tuyến 54 - TP Bắc Ninh - Từ Sơn - Long Biên hay tuyến 18, xe bus Cầu Bươu, xe bus Hà Nội. Nhiều xe trong tình trạng cũ nát, sơn vỏ xe bong tróc, han gỉ. Một số xe không hề dán phù hiệu hoặc không có tem đăng kiểm, nếu có thì cũng đã hết hạn.
Nhiều xe buýt, xe khách đã cũ được tư nhân mua về dùng để đưa đón công nhân. |
Đi làm được gần 2 năm, chị Nguyễn Thị L (SN 1986) quê ở xã Phồn Xương (Yên Thế) đi xe ô tô dịch vụ được hơn một năm nay. Chị cho biết, xe 45 chỗ nhưng có hôm chở đến 50, 60 công nhân (tùy ca). Vì chủ xe trang bị thêm ghế inox hay ghế nhựa nên công nhân vẫn có chỗ ngồi.
Để lên được xe, công nhân phải mang theo vé do nhà xe tự phát hành. Một nữ công nhân ở xã Thái Đào (Lạng Giang) làm việc tại Công ty Siflex, KCN Quang Châu (Việt Yên) cho biết, với khoảng cách gần 30 km từ nhà đến công ty, chị cũng chọn xe ô tô lộ trình từ thị trấn Vôi đến KCN Quang Châu, đón ở ngã tư Dĩnh Kế. Mỗi tháng chị mất 400 nghìn đồng tiền vé. Chị kể: “Từ ngày đi xe, hầu hết tôi phải đứng vì không có chỗ ngồi. Có lần, xe phanh gấp rồi bị một xe chở công nhân khác đâm vào khiến người trên xe ngã dúi dụi”.
"Sao các chị không thuê xe khác mà đi?”, tôi hỏi. Nhiều công nhân cùng lắc đầu ngao ngán: “Xe nào cũng vậy, xe này còn khá, chứ nhiều xe còn không có điều hòa, mở cửa sổ ra thì bụi mù”. Chiếc xe 45 chỗ nhiều hôm chật lèn người vì lái xe nhồi nhét khách. Khi biết có người hỏi thông tin từ chị, chủ xe gọi điện dọa dẫm nếu có bất cứ hình ảnh nào của nhà xe lọt ra ngoài thì chị sẽ không được yên.
Nhiều xe vi phạm quy định an toàn
Xe chở công nhân trên địa bàn tỉnh đang tồn tại dưới các hình thức: Đơn vị vận tải hợp đồng đưa đón công nhân, nhóm công nhân tự thuê xe (thường không ký kết hợp đồng), doanh nghiệp tổ chức xe đưa đón. Theo thống kê mới nhất của Sở Giao thông- Vận tải (GTVT), hiện có khoảng 260 xe chở công nhân hoạt động đưa đón trong tỉnh nhưng mới có 100 xe được cấp phù hiệu xe chở khách. Còn lại 160 xe không có phù hiệu hợp đồng chở khách đồng nghĩa số xe này đang hoạt động trái quy định.
Xe đưa đón công nhân từ các huyện, TP đến KCN thường do công nhân tự thuê, tự thỏa thuận với nhà xe mà không có bất kỳ một loại giấy tờ nào cam kết trách nhiệm. Tùy theo khoảng cách di chuyển, các nhà xe tự áp giá trung bình từ 400 đến 800 nghìn đồng/tháng. |
Cũng theo danh sách do Sở GTVT công bố vào tháng 7-2019, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 xe đưa đón công nhân không có phù hiệu xe hợp đồng, phù hiệu xe nội bộ; ví như các xe mang biển số: 53N- 4846, 89B- 003.72, 35B- 008.15, 29B - 067.92, 30K-1629, 30F-7009…
Ông Hoàng Thế Hanh, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở GTVT thông tin, những xe không có phù hiệu chở khách hoặc xe không được kiểm định là xe chất lượng kém, hệ thống phanh, lái mất an toàn; thậm chí không loại trừ lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT xử lý 49 lượt xe đưa đón công nhân trong đó có 11 xe không có phù hiệu; một xe không kiểm định, còn lại là các lỗi dừng đỗ không đúng nơi quy định, đưa đón công nhân quá số lượng, phóng nhanh vượt ẩu...
Để tăng cường quản lý, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh và UBND các địa phương, Ban Quản lý KCN tỉnh cùng một số doanh nghiệp tập trung rà soát số lượng xe, công nhân có nhu cầu; hướng dẫn các doanh nghiệp làm chấp thuận hành trình tuyến để quản lý các xe đưa đón công nhân. Đồng thời tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các đơn vị vận tải không bảo đảm các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ đưa đón công nhân tại các khu, cụm công nghiệp ngày càng cao. Dù biết chất lượng xe không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn nhưng nhiều công nhân nhà xa chẳng còn cách nào khác. Công nhân chỉ biết trông chờ vào sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tại KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh để đưa hoạt động này vào nền nếp. Ngày nào còn xe không có phù hiệu hoạt động, không làm chấp thuận hành trình tuyến hay xe buýt cũ nát đưa đón công nhân thì ngày đó nguy cơ mất an toàn còn hiện hữu.
Thu Vân
Ý kiến bạn đọc (0)