Đến Pù Luông đừng chỉ ngắm ruộng bậc thang
Pù Luông là một trong ít nơi có thể trồng hai vụ lúa trên ruộng bậc thang, xen kẽ là mùa đổ nước tháng 7 và tháng 2. Nhưng Pù Luông không chỉ có ruộng lúa, vùng đất này gói gọn vừa đủ những gì có thể chiều lòng cả những vị khách muốn cả ngày nằm dài đọc sách bên bể bơi, lẫn người ưa khám phá giữa thiên nhiên.
Dưới đây là những điểm đến du khách không nên bỏ lỡ trong hành trình ở Tây Bắc thu nhỏ giữa lòng xứ Thanh mùa hè này.
Bản Đôn
Bản Đôn có thể xem như thủ phủ của du lịch Pù Luông. Theo đồng bào Thái, trước đây người dân dựng nhà cửa rải rác, xa cách. Sau này, đồng bào mới quần tụ lại thành bản làng, sống gần nguồn nước, thuận tiện sinh hoạt cộng đồng. Người dân lấy từ Đôn, trong tiếng Thái có nghĩa tụ họp, đặt cho tên bản.
Hiện bản Đôn được quy hoạch phát triển thành bản du lịch cộng đồng. Nơi đây vẫn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, với nhà sàn gỗ truyền thống xen kẽ giữa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại như những dải lụa xanh tươi ôm trọn lấy bản làng. Đây cũng là nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng và homestay đẹp.
Hang Dơi Kho Mường
Hang dơi Kho Mường thuộc bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước. Đây là một quần thể hang động thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, với các khối đá vôi niên đại khoảng 250 triệu năm trước. Hang Dơi nối với hệ thống sông ngầm dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pốn thuộc xã Lũng Cao.
Nhũ đá, măng đá trong hang Dơi đủ hình thù làm nên bức tranh thiên nhiên ảo diệu của tạo hóa. Điều đặc biệt bên trong hang là một bãi đất trống rộng như sân bóng tự nhiên. Đường từ đỉnh hang xuống đáy hang khá khó đi, nhiều thử thách cho những bạn trẻ muốn khám phá.
Bản Ươi - bản Lặn
Đứng từ bản Đôn nhìn xuống, du khách sẽ thấy bản Ươi hiện ra dưới chân dãy núi đá vôi với rừng cọ xòe ô che nắng phía trên, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bao quanh. Con suối trong chảy qua giữa bản là nơi người dân tắm và giặt giũ.
Kế bên bản Ươi là bản Lặn, nơi còn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trước đây, người dân chỉ dệt thổ cẩm cho gia đình, làng xóm. Gần đây, khi bản làng bắt đầu làm du lịch, đồng bào mới dệt thêm phục vụ khách tham quan.
Thác Hiêu
Tọa lạc giữa vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thác Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Đây được coi là một trong những dòng thác đẹp nhất Thanh Hóa. Thượng nguồn từ các đỉnh núi đá cao quanh năm dòng thác dồi dào nước.
Mùa hè nước dưới chân thác tuôn mát rượi, nhưng đến mùa đông lại ấm. Bao quanh là cánh rừng nguyên sinh, thác Hiêu luôn chào đón du khách bằng bầu không khí trong lành, dễ chịu quanh năm. Lắng nghe tiếng nước chảy róc rách giữa núi rừng, ngâm mình dưới làn nước mát của thác Hiêu là trải nghiệm đem đến giây phút thư thái cho tâm hồn.
Chợ phiên Phố Đoàn
Có tên gọi khác là chợ Phố Đòn, chợ phiên Phố Đoàn là phiên chợ vùng cao họp từ từ thời Pháp thuộc. Phiên chợ này còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chợ họp và sáng thứ ba, thứ năm và chủ nhật ở xã Lũng Niêm. Người dân các xã Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, Thành Sơn thuộc huyện Bá Thước thường đem hàng hóa ra chợ từ sớm. Đó có thể là mớ rau rừng, trái chín cây trong vườn, bình rượu cần nhà ủ hay lồng gà thả đồi, chó con. Chợ có đa dạng mặt hàng như vải thổ cẩm, rượu cần, hoa quả, rau rừng. Chợ cũng có bán vịt Cổ Lũng, gà thả đồi, chó con và nhiều món ăn bản địa như bánh cuốn, bánh nếp, bánh rán.
Suối Chàm
7 km từ bản Đôn là suối Chàm, ngay cửa ngõ vào khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Suối Chàm gom nước của toàn bộ khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chảy ra sông Mã, ven bờ là những cọn nước phục vụ bà con trồng trọt.
Trên dòng suối này, du khách có thể thử sản phẩm du lịch độc đáo là đi bè tre. Xuôi theo dòng suối gần 1 km, du khách sẽ trải nghiệm cảm giác lênh đênh giữa dòng suối trong vắt, ngắm đồng ruộng, bản làng, núi rừng.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)