Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng
BẮC GIANG - Chiều tối 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.
Đồng chí Mai Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; các hiệp hội doanh nghiệp (DN), ngành hàng và lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, TP; Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị và Hiệp hội DN tỉnh.
Hội nghị được nghe lãnh đạo Bộ Ngoại giao báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Theo đó, công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực cho tăng trưởng.
Tại đây, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, đúc rút các nhiệm vụ làm được và bài học kinh nghiệm về triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua. Đồng thời phân tích, đánh giá sâu các tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá công tác ngoại giao kinh tế đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH đất nước.
Đồng thời chỉ rõ một số tồn tại trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế như: Đôi lúc chưa thực sự nhạy bén, sáng tạo; công tác nghiên cứu, tham mưu có những thời điểm chưa theo kịp diễn biến nhanh và phức tạp của tình hình thế giới. Hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ; nỗ lực khai thác thị trường tiềm năng chưa có nhiều kết quả cụ thể mang tính đột phá; phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, DN có thời điểm chưa đồng bộ; tính kết nối, liên kết vùng giữa các địa phương chưa cao.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại hội nghị. Đồng chí khái quát lại những thành tựu trong xây dựng, phát triển KT-XH của đất nước thời gian qua và cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm của Việt Nam từ 6,5-7%, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng xanh, chống biến đổi khí hậu. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch...
Ưu tiên cho các động lực tăng trưởng mới: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; lấy đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm nền tảng cho sự phát triển.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tập trung kêu gọi đầu tư, mở rộng thị trường, kết nối cùng các động lực tăng trưởng mới. Kết nối với các nước, các khu vực kinh tế trên thế giới với thị trường Việt Nam và ngược lại. Nắm bắt nhu cầu phát triển của các địa phương, từ đó có những hỗ trợ kịp thời để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trong nước.
Kết nối các địa phương của nước ta với địa phương các nước, khu vực trên thế giới, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển KT-XH, kinh tế đối ngoại.
Thủ tướng yêu cầu các DN tăng cường kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để chuyển tải thông tin về hàng hóa, đầu tư, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và những thuận lợi của DN cũng như của thị trường trong nước.
Các địa phương tập trung vào sản xuất những sản phẩm mà thị trường thế giới đang cần, đang thiếu. Đồng thời nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm; sản xuất sản phẩm xanh. Tập trung sản xuất sản phẩm có thế mạnh, tính cạnh tranh cao.
Chính phủ và các bộ, ngành cần quản trị nhà nước thật tốt. Định hướng về sự phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng phát triển của từng loại sản phẩm để thuận lợi cho sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu và phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay.
Các bộ, ngành T.Ư phải nắm chắc thông tin, bám sát tình hình, xu thế thế giới để đề xuất các cơ chế, chính sách kịp thời, hiệu quả. Trên cơ sở đó cùng nhau phối hợp với các cơ quan đại diện tại các nước với tinh thần luôn sẵn sàng, chặt chẽ, kịp thời, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển đất nước.
Hình ảnh các điểm cầu hội nghị. |
Các bộ, ngành T.Ư căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động giải quyết, giúp các địa phương, DN tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong 6 tháng đầu năm. Phân rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp, ngành để giúp đỡ DN, địa phương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng có giải pháp khắc phục mặt hạn chế, yếu kém, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, cùng nhau mở rộng thị trường mới...
Tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ,… Đồng thời hoàn thiện các khung pháp lý, có như vậy mới thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài cần nắm bắt, theo dõi sát tình hình các nước đã ký kết hiệp định thương mại. Từ đó phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương, DN tháo gỡ khó khăn từ sớm, từ xa.
Để tiếp tục tận dụng đà phục hồi du lịch, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Ngoại giao nghiên cứu, mở rộng miễn thị thực, Visa cho một số nước; tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, DN, địa phương, các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút đầu tư, tài chính cho phát triển, đặc biệt là phát triển các ngành mới nổi như: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Kêu gọi chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác để phát triển công nghệ AI; tham gia chống biến đổi khí hậu, kêu gọi sự hỗ trợ của các nước, nhất là các nước G7.
Tiếp thu quản trị kinh doanh, quản trị thông minh, quản trị hiện đại. Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện một số nghị định liên quan đến đấu thầu, hỗ trợ đầu tư.
Quan tâm hoàn thiện hạ tầng cho phát triển số, phát triển xanh, phát triển tuần hoàn. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng sản xuất; mở rộng thị trường lao động; tận dụng tất cả các cơ hội có thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm và cả năm 2024.
Tin, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)