Đầu tư thủy lợi để nâng hiệu quả vùng sản xuất tập trung
Đa dạng cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế
Trước đây trên cánh đồng rộng 40 ha, người dân thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Trung (Việt Yên - Bắc Giang) chủ yếu cấy lúa, năng suất không cao bởi phụ thuộc vào nước trời. Trên diện tích chủ động nước tưới (khoảng 8,6 ha), 45 hộ dân mạnh dạn chuyển sang trồng hoa lay ơn để phục vụ dịp Tết Nguyên đán hằng năm.
Nông dân thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) chăm sóc hoa trên cánh đồng SXTT. |
Dù lợi nhuận cao (mỗi sào hoa lay ơn thu nhập từ 20 - 40 triệu đồng/vụ tùy thời điểm) song người dân không thể mở rộng bởi phần diện tích còn lại luôn trong tình trạng thiếu nước.
Xác định thôn Trung Nghĩa sẽ là vùng SXTT chủ lực của xã (không nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp, khu dân cư - PV), từ năm 2021, UBND xã ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi, phấn đấu chủ động nước tưới cho toàn bộ diện tích. Cuối năm ngoái, từ nguồn ngân sách tỉnh, xã đầu tư 3 tỷ đồng cải tạo hồ Hang Nấm, nâng diện tích chủ động nước tưới của thôn lên hơn 20 ha.
Hiện địa phương đang xây dựng kế hoạch cải tạo hồ Đồi Năng và hệ thống trạm bơm. Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung nói: “Sau khi hoàn thành cải tạo hồ Đồi Năng, nguồn nước tưới cho toàn bộ 40 ha sẽ được bảo đảm. Khi đó, không chỉ mở rộng diện tích trồng hoa lay ơn, chúng tôi sẽ đưa những giống hoa mới và một số cây trồng năng suất cao vào canh tác”.
Theo bản đồ số hóa các vùng SXTT, hiện toàn tỉnh có 151 vùng sản xuất lúa với hơn 21,7 nghìn ha; 77 vùng rau; 79 vùng cây ăn quả... Cùng với giữ an toàn 274 hồ chứa nước, 203 đập dâng, các địa phương, đơn vị đã quan tâm củng cố, sửa chữa công trình thủy lợi, đầu tư hệ thống kênh mương. Huyện Yên Dũng đã cứng hóa gần 127 km kênh mương dẫn nước cho 38 vùng SXTT.
Vì thế, năng suất tại những vùng này tăng 35%, giá trị tăng 42% so với những diện tích nhỏ lẻ, xen kẹp. Tương tự, cơ cấu cây trồng tại cánh đồng mẫu 50 ha tại các thôn: Đông, Trung, Hà, cùng xã An Hà (Lạng Giang) cũng đa dạng hơn bởi tưới tiêu thuận lợi.
Ông Hoàng Văn Hà, thôn Hà nói: “Hiện toàn bộ mương tại cánh đồng mẫu của thôn đã được cứng hóa, dẫn nước đến từng thửa ruộng. Nếu trước kia các hộ chỉ cấy lúa, trồng khoai lang thì nay trồng những cây có giá trị kinh tế cao như: Khoai tây, ngô ngọt... giúp thu nhập trên đơn vị diện tích tăng đáng kể”.
Tập trung nguồn lực
Để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, nâng cao giá trị kinh tế tại các vùng SXTT nói riêng, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương.
Đến nay tỷ lệ cứng hóa kênh mương tưới toàn tỉnh đạt gần 50%, cao gấp đôi so với năm 2010; riêng hệ thống kênh cấp 1, 2 đạt 64%. Giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh dành hơn 340 tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng cho 87 vùng SXTT, trong đó hơn 193,5 tỷ đồng dành cho các công trình kênh mương.
Theo bản đồ số hóa các vùng SXTT, hiện toàn tỉnh có 151 vùng sản xuất lúa với diện tích hơn 21,7 nghìn ha; 77 vùng rau, 79 vùng cây ăn quả... Giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh dành hơn 340 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng cho 87 vùng SXTT, trong đó có hơn 193,5 tỷ đồng dành cho các tuyến kênh mương. |
Theo kế hoạch, năm 2022, các địa phương khởi công 45 công trình thủy lợi tại 28 vùng SXTT với tổng kinh phí hỗ trợ 52,56 tỷ đồng. Tuy vậy, đến thời điểm này, các huyện, TP mới đang hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị khởi công. Nguyên nhân chính là do chưa có vốn đối ứng từ người dân.
Ông Nguyễn Trường Sinh, Chủ tịch UBND xã Đông Hưng (Lục Nam) nói: “Năm nay địa phương đề xuất cứng hóa 1,5 km kênh mương dẫn nước vào vùng sản xuất lúa tập trung thôn Trại Mít (66 ha). Ngoài 1,35 tỷ đồng hỗ trợ, các hộ phải đóng góp thêm gần 300 triệu đồng. Vì nguồn lực trong dân hạn chế nên việc đối ứng đang gặp khó khăn”.
Dù đã được đầu tư song đến nay nguồn nước tưới chủ động từ công trình thủy lợi cho cây trồng tại các vùng SXTT mới đạt 85% diện tích. Khắc phục tình trạng này, các huyện, TP đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hoàn thiện hạ tầng vùng SXTT. Tại huyện Việt Yên, UBND huyện vừa ban hành đề án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm.
Theo đó, giai đoạn 2022-2025, huyện dành hơn 11 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 11,8 km kênh mương; 11 tỷ đồng làm mới hai hồ, cải tạo một hồ chứa nước; hỗ trợ xây dựng 12 trạm bơm cục bộ. Huyện Yên Dũng bố trí gần 5,6 tỷ đồng cứng hóa gần 9 km kênh mương cấp 3; chuẩn bị lựa chọn nhà thầu cứng hóa 2,8 km kênh mương tại vùng sản xuất lúa tập trung xã Đồng Phúc theo kế hoạch đã đăng ký.
Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Căn cứ kế hoạch từng năm, chúng tôi sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, bảo đảm đúng mục đích và chất lượng công trình.
Trước mắt, Chi cục tập trung hướng dẫn các địa phương sớm khởi công các công trình đã đăng ký theo kế hoạch, không để dự án nào bị chậm hoặc phải chuyển nguồn sang năm sau. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chung sức, bố trí nhân lực, vật lực tu bổ, nạo vét các công trình, sẵn sàng cho những vụ sản xuất mới” .
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)