Đầu tư tài chính trên sàn giao dịch ảo: Nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản
BẮC GIANG - Sử dụng ngôn từ mỹ miều quảng cáo kiếm tiền dễ dàng thông qua huy động vốn, đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch điện tử, đối tượng xấu đã lôi kéo nhiều người tham gia rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Rầm rộ quảng cáo
Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook có một số hội, nhóm, tài khoản cá nhân như: HeyGen hỗ trợ 247; HeyGen Cloud Lạng Sơn; HeyGen Nghệ An... xuất hiện các bài viết “ca ngợi” về cách kiếm tiền dễ dàng thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đầu tư tài chính trực tuyến. Các bài viết quảng cáo rằng: “AI trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ số 1 thế giới có mặt tại Việt Nam. Đăng ký điểm danh cũng có tiền”; “Tận dụng lợi thế của trí tuệ nhân tạo, đầu tư tài chính mở lối cho con đường tự do tài chính, sự giàu có mạnh mẽ”.
Một dạng mời chào đầu tư tài chính theo hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng xã hội. |
Thậm chí, những trang mạng này còn tung ra gói “trúng thưởng” bằng tiền mặt để khuyến khích những ai giới thiệu được nhiều người tham gia như: Nếu giới thiệu nạp lần đầu 2 thành viên, tặng ngay 100 nghìn đồng; giới thiệu nạp lần đầu 5 thành viên, tặng ngay 1 triệu đồng; giới thiệu nạp lần đầu 10 thành viên, tặng ngay 3 triệu đồng; giới thiệu nạp lần đầu 20 thành viên, tặng ngay 8 triệu đồng; giới thiệu nạp lần đầu 50 thành viên, tặng ngay 20 triệu đồng.
Trên các trang có tên “Kiếm tiền Online”, “Đầu Tư Tài Chính 4.0”, “Cafe tài chính”... cũng xuất hiện nhiều thông tin mời gọi mọi người đầu tư theo hình thức kinh doanh đa cấp như: “Bạn càng đông, tiền càng nhiều. Hưởng 5% thu nhập từ cấp dưới” hoặc “Hãy bắt đầu ngay khi bạn có thể, chỉ vài chục nghìn đồng, bạn đã có thể trải nghiệm cùng các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam”; “Đã có hàng trăm, hàng nghìn người giàu lên nhờ thị trường mở này”...
Những trang mạng xã hội nêu trên có điểm chung là yêu cầu người dùng nhắn tin qua Messenger, cho số điện thoại để kết bạn Zalo hoặc nhấn vào đường link lạ, sau đó đưa vào nhóm kín trên Zalo, Telegram để có nhân viên tư vấn chi tiết. Từ đây, người chơi sẽ được các đối tượng yêu cầu đăng nhập vào wesite để thực hiện những câu lệnh dưới dạng trò chơi trực tuyến và chuyển tiền cho chúng.
Những lời cảnh báo
Chị Thân Thị Th (SN 1976), quê ở huyện Lạng Giang hiện làm kế toán cho một đơn vị trên địa bàn TP Bắc Giang vừa bị dẫn dụ vào hội nhóm đầu tư tài chính. Chị Th quen biết chủ một tài khoản trên mạng xã hội. Người này giới thiệu bản thân là chuyên gia tài chính, đã tham gia một số sàn giao dịch và kiếm được lợi nhuận lớn; đồng thời gửi cho chị đường link ứng dụng sàn giao dịch tiền ảo (thực chất sàn này do đối tượng tạo ra mạo danh các sàn giao dịch nước ngoài). Chị được hướng dẫn tải đường link về điện thoại di động, tạo tài khoản và vào lệnh. Đối tượng còn đưa ra thông tin, nếu chị mời gọi được thêm nhiều người chơi thì lợi nhuận càng cao.
Các cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao rà soát các thông tin nghi vấn lừa đảo trên không gian mạng để có biện pháp đấu tranh. |
Tin những lời đường mật, lúc đầu, chị Th nạp 20 triệu đồng vào hệ thống, ngay sau đó, chị được rút 1 triệu đồng tiền lãi; lần 2 chị nạp thêm 30 triệu đồng, chị được rút 1,5 triệu đồng tiền lãi. Chị Th mời gọi hơn 10 người là bạn bè, người thân cùng tham gia. Có những trường hợp, do chưa đủ tiền nạp vào hệ thống, chị vay mượn người khác để tạm ứng cho. Qua 8 lần chơi, chị Th đã nạp gần 400 triệu đồng, nhận tiền lãi hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chị muốn rút tiền thì sàn giao dịch ảo này yêu cầu chị nạp thêm vào tài khoản để nâng cấp kênh rút tiền với số lượng lớn.
Nghe vậy, chị Th tiếp tục nạp 5 triệu đồng vào tài khoản, nhưng khi thực hiện lệnh rút tiền, sàn giao dịch ảo lại báo do nhập sai thông tin địa chỉ nhận tiền nên chị cần phải nạp thêm 15 triệu đồng nữa để xác minh. Bạn bè, người thân mà chị Th giới thiệu cũng gặp tình trạng tương tự. Biết mình bị lừa, chị Th đã đến cơ quan công an để trình báo sự việc. Chị Th buồn rầu nói: “Do nhẹ dạ cả tin, tôi đã bị lừa mất toàn bộ số tiền em gái đang lao động ở nước ngoài gửi về nhờ giữ hộ. Ngoài ra, tôi còn huy động, vay mượn của nhiều người khác”.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về lĩnh vực này. Không tham gia vào các nhóm chat, không chuyển tiền vào các App khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản. Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân có thể lựa chọn các nền tảng giao dịch chứng khoán được Nhà nước cấp phép hoạt động… |
Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Các đối tượng này thường sử dụng phương thức “đầu tư tài chính” dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp nhưng lại biến tướng; cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao. Chính vì thế, kẻ gian thu hút được rất nhiều người tham gia.
Thiếu tá Chu Văn Hiệu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết, dấu hiệu để nhận biết hình thức lừa đảo là các đối tượng thiết lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó gọi điện mời chào người chơi tham gia vào nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram. Sau đó, chúng liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục, dẫn dụ người chơi bỏ ra số tiền lớn. Ban đầu, nạn nhân sẽ nhận được lợi nhuận vài lần giao dịch với số tiền nhỏ. Tuy nhiên, khi họ nạp số tiền lớn thì nhóm lừa đảo đưa ra nhiều lý do để không thanh toán tiền lãi, yêu cầu tiếp tục nạp thêm tiền. Cứ quay vòng như vậy, bị hại bị thúc ép chuyển rất nhiều tiền và không lấy lại được.
Hiện chỉ có 20 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh theo phương thức đa cấp ở Việt Nam (Heygen không có trong danh sách này). Thông qua nắm tình hình trên không gian mạng, cơ quan chức năng nghi vấn một số tổ chức, cá nhân đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua những lời mời chào, quảng cáo huy động vốn theo hình thức đa cấp.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về lĩnh vực này. Không tham gia vào các nhóm chat, không chuyển tiền vào các App khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản. Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân có thể lựa chọn các nền tảng giao dịch chứng khoán được Nhà nước cấp phép hoạt động… Khi thấy có dấu hiệu lừa đảo cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)