Đào tạo theo nhu cầu, từng bước nâng chất lượng nguồn nhân lực
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), toàn tỉnh hiện có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 2 cơ sở do bộ, ngành T.Ư quản lý.
Tổng số ngành, nghề được cấp phép đào tạo là 109 nghề. Tổng quy mô tuyển sinh hơn 20,3 nghìn người/năm; trong đó trình độ cao đẳng hơn 1,3 nghìn người/năm; trung cấp hơn 5,4 nghìn người/năm; còn lại là sơ cấp và đào tạo thường xuyên.
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị. |
Được sự quan tâm đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đến nay cơ bản các cơ sở GDNN có đủ phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, thiết bị phục vụ công tác giảng dạy.
Về đội ngũ, toàn tỉnh hiện có gần 1,2 nghìn nhà giáo GDNN. Ở các trường cao đẳng, trung cấp, 100% giáo viên có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; hơn 70% nhà giáo ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Từ năm 2016 đến nay, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh, đào tạo hơn 119,1 nghìn người. Kết quả từng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Nhờ vậy, tính đến hết tháng 6-2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 64,2%; tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt hơn 90% ở trình độ cao đẳng, trung cấp.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, phân tích những tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác đào tạo nghề.
Cụ thể: Việc dự báo cung - cầu lao động chưa sát với thực tế; các trường cao đẳng, trung cấp chưa xây dựng kế hoạch đào tạo dài hạn, nhất là ở những ngành nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS hiệu quả thấp.
Một số trường đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, y tế vẫn gặp khó khăn trong tuyển sinh; thiếu cơ sở dạy nghề dịch vụ như: Khách sạn, nhà hàng, nghiệp vụ du lịch.
Ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn trao đổi tại hội nghị. |
Để hoàn thành mục tiêu tuyển sinh và dạy nghề cho 142,5 nghìn người trong giai đoạn 2021-2025, từng bước nâng cao chất lượng lao động và đáp ứng nhu cầu thị trường, các đại biểu đều thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường quản lý nhà nước về GDNN, nhất là thường xuyên thanh tra, kiểm tra quá trình đào tạo, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của đơn vị không đủ điều kiện; tranh thủ ngân sách T.Ư thuộc Chương trình MTQG về việc làm và vận động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thực hành; chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp dạy nghề.
Ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn cho rằng, để tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho sinh viên sau tốt nghiệp, các nhà trường quan tâm nghiên cứu quy mô, cơ cấu hệ thống doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo những ngành nghề phù hợp. Đồng thời, tăng cường liên kết với DN để họ tham gia vào quá trình đào tạo, giúp giảm chi phí đầu tư của đơn vị.
Đại diện một số cơ sở GDNN kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí, hỗ trợ các trường cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, thực hành.
Về vấn đề nàyy, bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế cho biết, hiện trường thiếu phòng học văn hóa và phòng thực hành, có thời điểm phải mượn nhà văn hóa thôn ở gần trường để tổ chức giảng dạy. Điều này ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh và chất lượng đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế nêu một số khó khăn về cơ sở vật chất của nhà trường. |
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh: GDNN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nên các cấp, ngành, địa phương cần khắc phục ngay tư tưởng xem nhẹ, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu giai đoạn mới.
Đồng chí đề nghị, ngành LĐTBXH tập trung nâng cao vai trò tham mưu, năng lực quản lý nhà nước; dự báo nhu cầu thị trường lao động dài hạn sát với tình hình thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.
Cùng đó, Sở LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các ngành sớm nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các tỉnh lân cận để tham mưu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các DN tham gia đào tạo và người học trên cơ sở bám sát định hướng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh.
Tới đây, UBND tỉnh sẽ thành lập tổ công tác rà soát, đánh giá lại nhu cầu đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất của các trường công lập, trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên để đề xuất bổ sung đầu tư công. Từ đó, tạo cơ hội để các đơn vị đào tạo hiệu quả nghề trọng điểm, từng bước nâng chất lượng nguồn nhân lực.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)