Đào rừng về phố
Người dân Đồng Cống trồng đào thế ở ruộng. |
“Vào cữ tháng Chạp hằng năm, đến thôn Đồng Cống tìm gặp đàn ông trung niên thì khó lắm. Họ rời làng đi săn đào rừng hết rồi, không có nhà đâu”- Bí thư Chi bộ Bùi Kế Quảng bật mí khi tôi có ý định tìm hiểu về nghề buôn đào rừng ở đây.
Nổi tiếng và giàu lên nhờ sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh nhưng khi thị trường cây cảnh bão hòa, người dân thôn Đồng Cống đã nhạy bén, năng động tìm thêm cây trồng mới phù hợp, cho nguồn thu nhập ổn định hơn trong đó có nghề trồng đào. Có gia đình trong thôn còn lên tận Mẫu Sơn (Lạng Sơn) thuê đất để trồng. Sở hữu nhiều gốc đào thế trồng tại ruộng, anh Nguyễn Đình Hoàn cho biết: Hiện đào được bà con trong thôn canh tác trên vườn nhà, sườn đồi… Giá trị kinh tế cũng cao so với một số cây trồng khác, trong khi lại không quá tốn công, vất vả. Để tạo ra một cây đào khỏe mạnh, hoa nở đẹp thì công đoạn chăm sóc là vô cùng quan trọng. Còn với việc để hoa nở đúng dịp Tết thì mỗi nhà sẽ có bí quyết riêng”.
Vài năm trở lại đây, trong quá trình tiêu thụ hoa đào, người Đồng Cống nhận thấy không ít người có thú chơi đào rừng. Để đáp ứng thú chơi đó, nghề buôn đào rừng của một số người dân trong thôn xuất hiện từ đó và đến nay có cả vài chục người theo nghề này mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ông Bùi Kế Quảng cũng là một người buôn đào rừng có tiếng ở thôn nhiều năm qua. Ông kể: Không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, TP Hải Phòng... đào rừng cũng được người phố ưa chuộng bởi vẻ đẹp riêng và tự nhiên, tươi lâu hơn hẳn những cây đào trồng ở vùng xuôi. Năm nào cũng vậy, trước Tết khoảng một tháng, mặc cho thời tiết thế nào thì những người trung niên ở Đồng Cống vẫn háo hức đi các nơi tìm nguồn hàng.
Năm nay dưới cái rét cắt da, cắt thịt của những ngày cuối năm cũng không cản được bước chân của người buôn đào rừng ở thôn. Họ đi đến các tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… để săn hàng. Có hai nguồn chính, một là vào sâu tận bản để chọn những cây, cành độc, lạ, nhiều khi anh em phải vào tận nơi xem hàng rồi đặt cọc, hẹn ngày lấy hàng rồi đánh ô tô tải lên chở về xuôi; hai là chọn mua ở các tuyến quốc lộ mà người dân bản địa đã chặt sẵn. Trong thôn Đồng Cống có một số gia đình còn sắm hẳn xe tải để chở đào mang về xuôi như các ông: Nguyễn Đình Hoàn, Nguyễn Gia Mến, Nguyễn Đình Bùng, Bùi Văn Cường. Thường thường khoảng 2 ngày là gom đủ chuyến xe 200 cành.
Theo ông Quảng, giá cả đào rừng tùy loại từ cao cấp đến bình dân, tiền nào của ấy. Nếu gốc to, hoa đẹp, họ sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng để mua. Còn cành lẻ thì chỉ vài trăm nghìn đồng cũng có. Kinh nghiệm cho thấy nhiều người thích những cành đào mang dáng dấp tự nhiên, có hoa, nụ, cành bổng, cành la. Vì thế ông thường chọn ngắm cành nào dáng tự nhiên, đẹp thì đặt cọc tiền trước vài chục nghìn đồng. Năm nay, ông dự định sẽ mang khoảng trăm cành loại to, đẹp về xuôi trước ngày 23 tháng Chạp.
Buôn bán đào nhiều năm, người dân Đồng Cống chú trọng cách tiếp thị khách hàng. Từ những Tết trước, khi đi bán đào ở đâu họ đều xin số điện thoại, địa chỉ email, facebook của chủ nhân để phục vụ mùa Tết năm sau. Vì vậy khách hàng chủ yếu là người quen. Lợi nhuận thu được từ công việc này tương đối cao. Chỉ cần một vụ Tết, thu nhập của một người trồng và buôn bán đào rừng bằng cả năm lao động, từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)