Đánh giá tổ chức đảng, đảng viên: Bảo đảm thực hiện nền nếp, đúng quy định
Tổng kết từ thực tiễn cho thấy, việc thực hiện quy định, hướng dẫn của TƯ bảo đảm nghiêm túc tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để công tác đánh giá, phân loại ngày càng chất lượng hơn.
Tập trung chỉ đạo
Sau khi Bộ Chính trị và Ban Tổ chức TƯ ban hành quy định, hướng dẫn trên, BTV Tỉnh ủy đã ban hành nhiều quy chế, quy định cụ thể về việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể cấp ủy, cán bộ, đảng viên và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.
Đặc biệt, bên cạnh việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ hằng năm theo quy định, hướng dẫn của TƯ, từ năm 2018 đến nay, BTV Tỉnh ủy còn chỉ đạo kiểm điểm, đánh giá cán bộ 6 tháng đầu năm đối với cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý nhằm đôn đốc, nhắc nhở cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao 6 tháng đầu năm, đề ra biện pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; cụ thể hóa việc cấp dưới đánh giá cấp trên trực tiếp thông qua việc tổ chức lấy phiếu ý kiến đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trước khi tổ chức kiểm điểm. Kết quả lấy phiếu giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý tự soi, tự sửa, đồng thời giúp cấp có thẩm quyền có thêm thông tin xem xét, đánh giá, xếp loại cán bộ.
Đảng ủy xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) tổ chức hội nghị xem xét việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại tập thể cấp ủy và đảng viên năm 2022. |
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của TƯ, của tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành các quy định, hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo thuộc diện quản lý bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng chí Ngô Văn Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Các bước kiểm điểm, xếp loại được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, bài bản, đúng hướng dẫn, qua đây giúp nhiều tổ chức đảng, đảng viên nhận thức được những khuyết điểm, tồn tại để có biện pháp khắc phục, sửa chữa”.
Qua phân loại, đánh giá hằng năm, kết quả đều bảo đảm theo đúng quy định của TƯ, đơn cử như đối với tổ chức cơ sở đảng, từ năm 2018 đến nay, đã có 662 lượt tổ chức cơ sở đảng xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 20% so với tổ chức cơ sở đảng được đánh giá, xếp loại và chiếm 19,9% so với tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, có 4.093 lượt chi bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 19% so với số chi bộ được đánh giá, xếp loại và chiếm 20,8% so với số chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đối với đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018 chiếm 11,3% số đảng viên được đánh giá và chiếm 14,9% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; sau đó, lần lượt các năm chiếm 11,9 và 15,6% (2019); 12,5 và 16,4% (2020); 12,8 và 16,5% (2021); 12,6 và 16,4% (2022).
Tránh nể nang, ngại va chạm
Theo đánh giá của BTV Tỉnh ủy, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, như việc quán triệt, triển khai thực hiện quy định và hướng dẫn của TƯ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa kỹ, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dẫn đến trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân còn lúng túng, chưa bảo đảm yêu cầu. Công tác chuẩn bị báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân ở một số tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa chu đáo, chưa đầy đủ nội dung theo đề cương báo cáo kiểm điểm; thời gian thực hiện kiểm điểm ở một số nơi còn chưa bảo đảm theo quy định, hướng dẫn; tinh thần tự phê bình và phê bình ở một số đơn vị chưa cao.
Từ năm 2018 đến nay, đã có 662 lượt tổ chức cơ sở đảng xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 20% so với tổ chức cơ sở đảng được đánh giá, xếp loại và chiếm 19,9% so với tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. |
Đồng chí Nguyễn Duy Hanh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Cung Nhượng 2, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cho rằng, khó khăn, vướng mắc trong kiểm điểm tự phê bình là chưa có quy định cụ thể khuyến khích tính tự giác trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân nên còn tình trạng kiểm điểm qua loa, mang tính hình thức, thiếu tính chiến đấu.
Qua thực hiện công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị của tỉnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của việc đánh giá chất lượng hằng năm; làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến nhận thức cho cán bộ, đảng viên, trên cơ sở thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình để đánh giá đúng chất lượng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng và kết quả thực hiện nhiệm vụ tập thể lãnh đạo và cá nhân cán bộ, đảng viên.
Việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng tập thể, cá nhân phải gắn với việc kiểm điểm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII), phải xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện Quy định số 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với nội dung cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.
Cấp ủy cấp trên tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với công tác này, kịp thời biểu dương những nơi làm tốt, uốn nắn những thiếu sót; bảo đảm thực hiện nền nếp, chất lượng công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm.
Bài, ảnh: Nam Bình
Ý kiến bạn đọc (0)