Đảng đoàn HĐND tỉnh thẩm định 14 nội dung trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại phiên họp tháng 6
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh nêu trong dự thảo báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm. Theo đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ và bền vững với tốc độ tăng trưởng đạt 24%, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu cả nước. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 164,6 nghìn tỷ đồng, đạt 44,9% kế hoạch; dù còn khó khăn song ngành dịch vụ đã nhanh chóng phục hồi; công tác thu, chi ngân sách, đầu tư công, thu hút đầu tư được quan tâm, đạt kết quả tích cực. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, nội chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành chủ trì hội nghị.
|
Trao đổi về những tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng cho rằng, UBND tỉnh cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn nữa về một số vấn đề đang được cử tri, nhân dân quan tâm như: Việc kiểm soát giá cả và chất lượng nhiều loại hàng hóa tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; tác động của chính sách tăng lương tối thiểu vùng tới đời sống người lao động và việc thực hiện chính sách của doanh nghiệp; dù nỗ lực giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo nhưng số vụ khiếu kiện đông người 6 tháng đầu năm không giảm so với cùng kỳ; tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn tái diễn, gây bức xúc trong dư luận.
Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng trao đổi tại hội nghị.
|
Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, đồng chí Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội quan tâm đến các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Đây là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ nhằm bảo đảm đời sống người lao động. UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực triển khai. Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện còn chậm. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh phân tích rõ thực trạng, nguyên nhân để có biện pháp chỉ đạo khắc phục.
6 tháng cuối năm, UBND tỉnh đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, quan tâm đẩy mạnh thu ngân sách, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khung đô thị. Trao đổi về nhiệm vụ này, đồng chí Nguyễn Thế Toản, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách dẫn chứng kết quả khảo sát năm 2021: 15/16 đô thị không có hệ thống tiêu, thoát nước; mới có 11/30 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý rác thải tập trung đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, đồng chí đề nghị, UBND tỉnh phân tích rõ hơn tình hình thực tế để có biện pháp chỉ đạo phù hợp, bảo đảm mục tiêu phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp đồng bộ, hiện đại trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt.
Làm rõ kết quả thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, hiện đã có 13/25 dự án đã có nhà đầu tư, đang trong quá trình thi công; phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu hút đầu tư và hoàn thành 25 dự án.
Dự báo đến năm 2025, quy mô lao động của tỉnh đạt khoảng 583 nghìn người, trong đó, dự báo có 400 nghìn người có nhu cầu về nhà ở. Nếu tổng số 25 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành theo mục tiêu sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của công nhân. Thời gian tới, bên cạnh phối hợp với các ngành trong tổ chức triển khai nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đơn vị tập trung theo dõi, đánh giá kết quả đăng ký mua nhà ở xã hội của công nhân để có đề xuất điều chỉnh mục tiêu phù hợp với UBND tỉnh.
Ông Vương Tuấn Nghĩa làm rõ một số vấn đề liên quan đến kết quả triển khai các dự án nhà ở xã hội cho công nhân.
|
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn song UBND tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại đã được các đại biểu phân tích, làm rõ. Để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tập trung khắc phục hạn chế, nhất là trong quản lý nhà nước về thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng cụm công nghiệp; xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; quản lý hiệu quả hoạt động đấu giá, mua sắm tập trung trang thiết bị y tế; quan tâm giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo…
Đồng chí Mai Sơn tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại hội nghị.
|
Qua các ý kiến, trao đổi của đại biểu tại hội nghị, đồng chí Lâm Thị Hương Thành nhất trí với đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm trong dự thảo báo cáo của UBND tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh cần nhìn nhận những tồn tại, hạn chế như: Sản xuất công nghiệp hiện phụ thuộc phần lớn vào khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài; công tác giải phóng mặt bằng ở các khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn, hình thành điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, công tác quản lý, phối hợp quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ với các địa phương thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường chưa được đánh giá cụ thể.
Đồng chí đề nghị, những tháng cuối năm, UBND tỉnh tập trung cao cho công tác chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực, có giải pháp cụ thể với từng nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra, trên cơ sở khắc phục những tồn tại gắn với kiểm điểm kết quả thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và Kế hoạch của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022.
Tại hội nghị, Đảng đoàn HĐND tỉnh thẩm định dự thảo báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện 6 tháng cuối năm và dự thảo các nghị quyết: Quy định mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh; bãi bỏ Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh về việc quyết định chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của tỉnh giai đoạn 2022-2025; quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ thôi việc đối với phó trưởng công an, công an viên bán chuyên trách công tác ở xã, thị trấn liên tục dưới 15 năm; mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng; quy định nội dung, mức chi phục vụ các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh; quy định về mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao, học sinh năng khiếu thể thao, chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thể thao trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh); về việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022; về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; về chủ trương đầu tư dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy nghề trọng điểm Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành phát biểu kết luận.
|
Đối với các dự thảo nghị quyết, đại diện lãnh đạo và thành viên các ban của HĐND tỉnh nhất trí cao với sự cần thiết, nội dung dự thảo các nghị quyết, góp phần bảo đảm nguyện vọng, đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng; trình tự, thủ tục xây dựng dự thảo tờ trình, nghị quyết đúng quy định pháp luật và thẩm định ban hành.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất cao khi đưa ra thông qua tại kỳ họp sắp tới, tạo thuận lợi, hiệu quả trong quá trình triển khai sau khi ban hành, các đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại từng nội dung dự thảo, bảo đảm tính nhất quán, chặt chẽ, đúng với thể thức các nghị quyết quy phạm pháp luật. Đặc biệt, với các dự thảo nghị quyết quy định mức thu, chi hỗ trợ thì cần xem xét các căn cứ để vừa bảo đảm quy định hiện hành, lại phù hợp với thực tiễn và từng nhóm đối tượng cụ thể.
Kết luận nội dung này, đồng chí Lâm Thị Hương Thành nhất trí đề xuất trình các dự thảo nghị quyết tại phiên họp tháng 6/2022 của BTV Tỉnh ủy. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo bổ sung, chỉnh sửa các dự thảo. Các ban HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIX, dự kiến diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7 sắp tới. Sau khi các nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện để cử tri, nhất là đối tượng thụ hưởng trực tiếp nắm bắt chính sách, tạo sự đồng thuận khi đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Riêng về dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh, đồng chí yêu cầu Ban Văn hóa - Xã hội tổng hợp chi tiết phần khảo sát ý kiến của cử tri để bổ sung vào báo cáo thẩm định của Đảng đoàn HĐND tỉnh, làm căn cứ để BTV Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến trước khi đưa ra quyết nghị tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Nhấn mạnh ý nghĩa, phạm vi ảnh hưởng của các nội dung được quy định tại dự thảo nghị quyết này đối với đời sống người dân và tính cấp thiết phải ban hành để áp dụng thống nhất ngay từ năm học tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh mức thu học phí (năm học 2022-2023) với bậc mầm non, tiểu học bằng mức sàn của Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ (quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo) như mức thu của bậc THCS, THPT. Nếu để như trong dự thảo nghị quyết, mức thu bằng trung bình cộng giữa mức sàn và mức trần của Nghị định 81 và không thấp hơn mức hiện hành thì không phù hợp với tình hình thực tế.
Với các khoản thu không quy định mức thu trong các khoản thu dịch vụ, đồng chí đề nghị bỏ nội dung cung ứng sách giáo khoa trong các nhà trường; đồng thời, bổ sung điều khoản cụ thể: “Mức thu cụ thể do thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh và được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai sau khi nghị quyết được ban hành.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)