Đại tá Công an khẳng định quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đã chứng minh hiệu quả
Ngày 27/11, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn giúp tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn giảm gần 26%, người chết giảm 50%, bị thương giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật. Ảnh: Gia Chính |
"Không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có ngày nghỉ đối với vi phạm này", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói và cho biết thêm, trong 11 tháng năm nay đã xử lý gần 700.000 trường hợp, trung bình mỗi ngày hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 23% trong tổng các lỗi vi phạm được xử lý.
Trước một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe là quá nghiêm khắc, cứng nhắc, Đại tá Nguyễn Quang Nhật giải thích quy định này thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, theo đó điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm. Hơn nữa, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đòi hỏi sức khỏe, sự tập trung, tâm lý tốt, vì đây là nguồn nguy hiểm cao độ được quy định trong Bộ luật Dân sự".
"Bây giờ trước khi uống rượu bia, người dân đều phải cân nhắc tìm phương án để không phải lái xe như đặt người lái hộ, đi taxi. Thói quen, văn hóa không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia đã tác động đến đại bộ phận người dân", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Về phản ánh "có nồng độ cồn vì sử dụng một số thực phẩm, đồ uống lên men như hoa quả, rượu nếp", Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng không chỉ rượu bia, ma túy mà các chất kích thích khác cũng bị cấm sử dụng khi lái xe. Ngay cả với một số loại tân dược, yêu cầu y lệnh và bác sĩ cũng khuyến cáo không được lái xe hoặc điều hành máy móc sau khi uống thuốc.
Trước một số ý kiến đề nghị nâng mức phạt vi phạm nồng độ cồn để răn đe, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay mức xử phạt hiện nay đã cao, cụ thể với người điều khiển xe môtô là 8 triệu, ôtô 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng.
"Tuy nhiên, vẫn cần thêm quy định cụ thể trong luật hình sự đối với hành vi có nguy cơ gây thiệt hại ở mức đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nồng độ cồn ở mức bao nhiêu thì được xem như vậy", đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Ý kiến bạn đọc (0)