Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn Bắc Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 6/11. |
Chất vấn Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Trần Văn Tuấn nêu: Chính phủ đã đặt ra mục tiêu nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030 nâng mức xếp hàng tín nhiệm của Việt Nam lên mức đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm rủi ro tín dụng quốc gia.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đến nay là như thế nào? Đâu là điểm mạnh trong hệ số tín nhiệm quốc gia, Chính phủ có giải pháp gì để cải thiện mức tín nhiệm quốc gia hướng với mục tiêu xếp hạng đầu tư, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy khả năng huy động vốn?
Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chất vấn tại hội trường. |
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về tín nhiệm quốc gia, thời gian qua tín nhiệm quốc gia Việt nam được thế giới đánh giá cao. Nếu như một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được đánh giá nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”, hay BB+. Điều này tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thêm, vừa qua trong chuyến công tác tại Mỹ có làm việc tổ chức như NP và Moody, cho thấy các tổ chức này đều đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng sự năng động, phát triển và khuyến nghị cho Việt Nam. Đặc biệt, các tổ chức này có đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ tín dụng nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản…và đều hài lòng, tin tưởng về những giải pháp đề ra của Việt Nam.
Bộ Tài chính cùng các cơ quan như Ủy ban chứng khoán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cùng đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Chính, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre chất vấn về giải pháp gì để giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công. Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chất vấn về giải pháp giải quyết các quy định chồng lấn trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.
Trả lời câu hỏi về Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, các vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Hiện còn những vướng mắc do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.
Nghị định 73 của Chính phủ quy định về hệ thống công nghệ thông tin song hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73 còn vướng mắc, phần đầu tư có phải lập dự án đầu tư hay có đưa vào đầu tư công trung hạn hay không ? Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Trước quan điểm cho rằng quy định về các định mức không phù hợp gây ra lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công. Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn... Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Cũng trong chương trình, nhiều đại biểu chất vấn xoay quanh lĩnh vực tài chính đã được Bộ trưởng phân tích làm rõ.
TH- TS
Ý kiến bạn đọc (0)